Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấp lỗ hổng nguồn nhân lực tài nguyên và môi trường

Tuấn Lương| 07/12/2010 07:05

(HNM) - Đội ngũ CBCNV của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) hiện chưa đáp ứng được về số lượng và mất cân đối về cơ cấu, đặc biệt là ở các cấp địa phương.

Ngành TN&MT được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực, gồm: đất đai; tài nguyên nước; khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; biển và hải đảo. Theo thống kê, đội ngũ CBCNV từ TƯ đến cơ sở hiện vào khoảng 45.600 người. Cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Ví dụ: nhân lực lĩnh vực quản lý đất đai chiếm 52,2%, trong khi nguồn nhân lực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn chỉ chiếm 1%; địa chất khoáng sản chiếm 1,8%...

PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn (Trường Cao đẳng TN&MT TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hằng năm, lực lượng lao động chỉ đáp ứng từ 20-30% nhu cầu. Trong 7 lĩnh vực Bộ TN&MT quản lý, chỉ lĩnh vực đất đai là có cán bộ chuyên trách từ TƯ đến cấp xã; các lĩnh vực môi trường, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc bản đồ chỉ tập trung ở cấp tỉnh, huyện, cấp xã rất ít. Riêng lĩnh vực khí tượng thủy văn hiện chưa có cán bộ chuyên trách ở địa phương.

Hiện nay, ngoài 3 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ TN&MT, cả nước có 78 cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng; 45 trường đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp các ngành, chuyên ngành về TN&MT. Hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, ngành nhìn chung đáp ứng được một phần nhu cầu xã hội nhưng chưa có sự liên thông, liên kết và quy hoạch theo mạng lưới.

Trong 5 năm tới, nhu cầu cán bộ có chuyên môn về TN&MT của các lĩnh vực quản lý nhà nước như: quốc phòng, an ninh, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, giáo dục và đào tạo, xây dựng, giao thông vận tải… cần khoảng 2-3 vạn người. Tổng nhu cầu nhân lực cần bổ sung trong giai đoạn 2011-2015 lên đến 45 nghìn người và giai đoạn 2016-2020 sẽ còn khoảng 20-25% so với giai đoạn 2011-2015.

Nhu cầu đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là rất lớn nhưng một số ý kiến cho rằng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TN&TM cần có cách tiếp cận, có quan điểm rõ ràng, nếu không, sẽ dẫn đến dư thừa nguồn nhân lực mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, cần đào tạo diện rộng, chú trọng trang bị cho người học kỹ năng tự học cập nhật kiến thức mới. Bên cạnh đó, cần mở những mã ngành mới như: biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, lưu vực sông… để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn tới.

Dự kiến, Bộ TN&MT sẽ tăng tỷ lệ chi ngân sách cho công tác đào tạo và đào tạo lại bằng ít nhất 10% tổng số chi của ngành. Bộ sẽ dành khoảng 10.630 tỷ đồng để triển khai thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấp lỗ hổng nguồn nhân lực tài nguyên và môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.