Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấp lánh những khoảnh khắc đẹp

Lưu Nguyễn| 09/05/2012 06:53

(HNM) - Làm văn, Di Li có mối giao tiếp với nhiều người trong giới. Rồi những người mà chị ngưỡng mộ, thân thiết lần lượt trở thành nhân vật trong các bài báo của chị. Mấy chục chân dung, bài phỏng vấn về nhân vật và một số vấn đề văn học của nhà văn Di Li vừa được tập hợp trong một tập sách có tính chất "hậu trường", mang tựa đề "Chuyện làng văn" (NXB Văn học).


Trường văn trận bút thì trăm nghìn trang giấy biết bao giờ kể cho hết, "Chuyện làng văn" như một góc nhỏ xinh xinh, nơi ánh lên những nụ cười vui vẻ, hóm hỉnh và những khoảnh khắc đẹp về văn nhân, văn nghiệp.

Qua lời kể Di Li, người đọc được biết lúc sinh thời nhà văn Kim Lân nói thế nào về những đồng nghiệp tên tuổi của mình. Ông viết thế này: "Họ ngồi chồm chỗm trên trang sách ấy. Mà đúng là văn thế nào người thế ấy… Ông Nguyễn Tuân thì cầu kỳ, khó tính, yêu cái đẹp, thích ăn ngon. Còn ăn nói hóm hỉnh, láu cá láu tôm… mới đúng là Nguyễn Công Hoan. Anh Nguyên Hồng thì hay thương người, suốt ngày nước mắt ngắn nước mắt dài…". Hay lời kể rất hóm, rất đáng yêu của Trần Đăng Khoa khi hào quang "thần đồng" đã thành xa xôi, nhường chỗ cho hạnh phúc gia đình thường nhật: "Nội tướng" trong gia đình tôi chính là cô con gái bé bỏng của tôi. Có khi tôi vừa về, bà vợ đã truyền "lệnh": Ôsin đâu, đi múc nước rửa đít cho vua nhé. Vua mà nhức đầu sổ mũi thì các quần thần, các ôsin đủ các kích cỡ - là ông bà, bố mẹ chạy nháo nhào.
Di Li, khi viết về mỗi nhân vật thường tập trung khắc họa, thể hiện một vài nét tính cách, cá tính hay trạng thái đặc trưng gây ấn tượng, được minh họa bằng một số chi tiết sinh động trong đời sống, công việc của nhân vật đó. Nữ nhà văn chia sẻ: Tôi không muốn kể tiểu sử hay sự nghiệp, vì thế thì thành bài liệt kê mất. Thể loại chân dung vốn rất khó, thực sự là thách thức đối với người viết. Chưa kể các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng được nhiều người ưu ái, được "chăm sóc" bằng nhiều bài viết, bình luận khác nhau. Mình muốn thể hiện được nét riêng của mình, kể cả trong văn phong và góc nhìn, quả không đơn giản.

Chính vì vậy, dễ thấy Di Li thường viết về những nghệ sĩ, bạn bè vốn thân thiết hoặc có sự qua lại, thông hiểu lẫn nhau. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến dường như lúc nào cũng có vài cốt truyện giắt lưng, rồi để chúng lơ lửng ở quán bia, không biết nếu đem cho thì có ai nhận không. Hay hình ảnh một Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình hoạt ngôn, tung hứng ở mọi diễn đàn, từ chỗ hội hè to tát đến lớp mẫu giáo của các cháu lên bốn. Rồi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn với tâm hồn đằm thắm bền bỉ qua thời gian và một tính cách, tác phong trẻ trung đến bất ngờ mà nhiều người trẻ khó lòng theo kịp. Những người khác, nhà văn Sương Nguyệt Minh, Lê Anh Hoài, Bùi Anh Tấn, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Cấn Vân Khánh, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Vi Thùy Linh… đều được Di Li "tỉa" ra đôi nét lấp lánh từ ấn tượng về con người hay tác phẩm nào đó của họ. Không khiêm tốn vờ, Di Li bộc bạch: Qua những nhân vật trong cuốn sách này, tôi đã học được nhiều điều từ họ. Học theo những cái hay của tất cả thì có khi phải xẻ mình ra nhiều phần mất, nhưng khi muốn lắng nghe và nghe được điều gì đó từ nhân vật của mình cũng đã là một lần học hiệu quả rồi.

Với đà này thì những câu chuyện làng văn được kể qua lời Di Li chắc không dừng lại ở đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lấp lánh những khoảnh khắc đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.