(HNM) - Thời gian qua, tình hình xây dựng trái phép tại một số "điểm nóng" khu vực phía Nam như thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Đà Nẵng... lại diễn biến phức tạp. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc quyết liệt để lập lại trật tự trong lĩnh vực này.
Phát hiện nhiều vi phạm
Ngày 11-11 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang đã bắt tạm giam 3 cá nhân (chưa công bố danh tính) để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua bán đất trái phép tại thành phố Phú Quốc. Đây là những người liên quan trực tiếp đến 79 biệt thự xây dựng trái phép tại khu đất do Nhà nước quản lý rộng 18,9ha tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ.
Khu đất trên vốn là đất rừng phòng hộ do UBND xã Dương Tơ quản lý. Từ cuối năm 2018, khi Phú Quốc “sốt đất”, nhiều người dân đã tự ý bán đất. Chủ đất mới sau đó san lấp mặt bằng, làm đường, phân chia thành 79 lô đất xây biệt thự (mỗi lô rộng từ 350-500m2), rồi bán bằng giấy viết tay cho nhiều người khác. Hậu quả là đến nay, một quần thể biệt thự xây dựng trái phép quy mô lớn ngang nhiên mọc trên đất công ở Phú Quốc.
Tại “điểm nóng” về trật tự xây dựng ở phường 12 thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh về Dự án khu nhà ở Thanh Xuân có diện tích 4,3ha mới chỉ được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500, chưa thực hiện các thủ tục đầu tư nhưng một doanh nghiệp đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, xây nhà ở… Còn Dự án khu nhà ở thương mại thấp tầng mới được duyệt quy hoạch 1/500, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa cấp giấy phép xây dựng nhưng đã thi công nhà cao tầng.
Còn tại thành phố Đà Nẵng, 8 hộ dân đã mua nhà xây dựng hoàn chỉnh tại khu dân cư tổ 130, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu từ năm 2021, đến nay ngỡ ngàng khi nhận giấy yêu cầu từ UBND phường Hòa Minh về việc phải tháo dỡ, do đây là những căn nhà xây dựng trái phép. Anh Vũ Trung Hoan, đại diện một trong 8 hộ dân nêu trên lo lắng nói: “Khi mua bán, chủ đất cũ có giao cho gia đình tôi giấy xác nhận nhà ở, đất ở do UBND phường Hòa Minh cấp từ năm 2017 đến năm 2020; có hợp đồng điện nước. Giờ gia đình mới biết đây là nhà xây dựng trái phép. Chúng tôi rất lo lắng vì vốn liếng đã dồn hết vào căn nhà này”.
Kiên quyết xử lý
Từ tháng 6-2022, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý vi phạm về đất đai, lâm nghiệp và xây dựng ở Phú Quốc (Tổ công tác) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh làm tổ trưởng. Tính đến đầu tháng 11-2022, Tổ công tác đã thu hồi gần 140ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp bị lấn chiếm sử dụng trái pháp luật; củng cố chứng cứ, xử lý 13 vụ trọng điểm có dấu hiệu hình sự.
Ngày 9-11 vừa qua, Tổ công tác đã chỉ đạo lực lượng chức năng phá dỡ 2 căn biệt thự đã xây dựng hoàn chỉnh trong khu 79 biệt thự xây dựng trái phép; trước đó đã ngăn chặn, tháo dỡ 12 căn biệt thự khác đang xây dựng và sẽ xử lý số biệt thự còn lại theo đúng quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành khẳng định: “Từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh sẽ tập trung xử lý các công trình vi phạm trước, sau đó sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ và chính quyền địa phương tại Phú Quốc”.
Tại thành phố Vũng Tàu, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Vũng Tàu Trần Ngọc Hà thông tin, phường 12 là một trong những địa bàn phức tạp về trật tự xây dựng. Qua các năm 2020-2021, khi địa phương tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhiều hộ dân đã sang nhượng đất nông nghiệp, nhiều chủ đầu tư xây dựng công trình không phép. Trong năm 2021, UBND thành phố Vũng Tàu đã cách chức 2 chủ tịch UBND phường, điều chuyển 1 chủ tịch UBND phường và 2 phó chủ tịch UBND phường liên quan đến việc buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự đô thị. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 5 đối tượng nguyên là cán bộ, công chức đã có hành vi vi phạm, nhận tiền của người dân để không xử lý tình trạng xây dựng trái phép.
Về các công trình xây dựng không phép tại tổ 130, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, cơ quan chức năng xác định, những giấy tờ nhà đất dùng trong mua bán tại đây được ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường từ những năm 2000 ký. Đến tháng 5-2022, ông này bị công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi "nhận hối lộ" trong một vụ hợp thức hóa đất đai.
Với những người đã mua, xây dựng nhà trái phép tại tổ 130, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Đinh Hữu Phúc thông tin, cơ quan chức năng đang tính phương án hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội để sớm ổn định cuộc sống. Trên quy mô lớn hơn, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: “Thành phố đã thành lập các tổ công tác theo sát từng điểm nóng, từng dự án... trên cơ sở chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.