(HNM) - Ngay từ đầu năm 2003, khi đó thành phố Hà Nội chưa mở rộng và phát triển như hiện nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế
Nội dung chính của quy chế là bảo đảm an toàn trật tự vỉa hè, đường phố thông thoáng sạch sẽ, nghiêm cấm việc bày bán hàng rong, kinh doanh tùy tiện lộn xộn, đặc biệt tuyệt đối không dừng, đỗ xe dưới lòng đường làm cản trở, ách tắc giao thông… Sau một thời gian nghiêm túc thực hiện, ý thức của người dân đã được nâng lên, việc xử lý vi phạm cũng kiên quyết, "mạnh tay" nên tình trạng hè chưa thông, đường chưa thoáng đã chuyển biến, dần đi vào nền nếp, trật tự, ổn định.
Sau khi thành phố được mở rộng, các tuyến phố văn minh thương mại đã được nâng lên con số 62. Tuy nhiên, có một thực tế là, càng về gần đây, những quy chế, tiêu chí đề ra dường như đang bị vô hiệu hóa. Nghĩa là việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường diễn ra rất phổ biến, ngày càng nhiều, "bành trướng" tới mọi khoảng trống, không chỉ trên vỉa hè mà cả dưới lòng đường. Cứ chỗ nào có thể sử dụng được là bị người dân chiếm dụng để kinh doanh, bày bán đủ loại hàng hóa, đặt bếp lò đun nấu, kê bàn ghế ăn uống, giải khát… Thậm chí, vỉa hè còn bị dùng làm sân bếp riêng và vô tư xả rác, đổ nước bẩn bừa bãi, gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị. Xe máy, ô tô con dừng, đỗ rất tùy tiện dài hàng chục mét dưới lòng đường như các phố Lò Đúc, Trần Xuân Soạn, Trần Khát Chân, Quán Thánh, Thụy Khuê, Hàng Than, Giang Văn Minh, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Khắc Nhu, Quốc Tử Giám… và càng vào những giờ cao điểm, tình trạng trên càng diễn ra tồi tệ. Ở các đường Trương Định, Bạch Mai, Minh Khai, Đại La, La Thành hoặc rộng như đường Láng, Giải Phóng, Cầu Giấy, Xuân Thủy… cũng không ngoại lệ.
Phố Võ Thị Sáu dài hơn 650m, có mặt cắt vỉa hè và lòng đường rất rộng nhưng "được" ngành giao thông sử dụng cả vỉa hè lẫn lòng lề đường làm bãi đỗ xe tĩnh (đoạn từ trước cổng chính Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đến ngã ba giáp phố Thanh Nhàn); còn lại do người dân đua nhau chiếm dụng làm nơi kinh doanh nước giải khát, cà phê, rửa xe, bến xe "cóc". Đặc biệt trên vỉa hè hồ Quỳnh (đoạn từ đầu ngõ 38 đến đầu ngõ 40) rất thoáng, rộng và đẹp do mới được đầu tư cải tạo. Thế nhưng khoảng hơn một tháng nay có rất nhiều hộ dân đồng loạt "bung ra" chiếm giữ để bày bán các loại hàng ăn, hàng nước, có những hôm đông khách đến không còn chỗ đứng, chỗ lên xuống cho những người đi xe buýt tại nhà chờ xe ở đây. Hậu quả sau một ngày để lại đủ thứ rác thải tràn ra hè, đường và cả dưới lòng hồ.
Mặc dù là "Tuyến phố văn minh thương mại" song tại phố Bà Triệu (bên dãy số chẵn đoạn từ ngã tư giáp phố Ngô Văn Sở đến ngã tư giáp phố Nguyễn Du và bên số lẻ, đoạn từ ngã tư giáp phố Nguyễn Du đến ngã tư giáp phố Trần Nhân Tông) tuy đã cấm trông giữ xe trên vỉa hè nhưng thời gian thực hiện chưa được bao lâu, nay đã lại tái phát cảnh người xe lộn xộn, nhốn nháo dừng, dỗ bừa bãi dưới lòng đường, gây cản trở giao thông, có người còn bị kẻ gian lợi dụng đám đông để móc túi lấy cắp, gây mất TTAN. Khi có công an và lực lượng tự quản đi kiểm tra, nhắc nhở thì hàng rong, người kinh doanh ở tại số nhà đó tạm thời dọn vào hoặc những người trông giữ phương tiện tạm thời né tránh, giấu mặt sau đó chỉ dăm bảy phút là sự việc đâu lại vào đấy, cứ như "trò ú tim, đá ném ao bèo" vậy…
Thiết nghĩ, để có những tuyến phố thực sự văn minh thương mại, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện quy chế để tạo thành ý thức tự chủ, tự giác của người dân, đồng thời cần tăng thêm những biện pháp xử lý vi phạm "mạnh" như kiên quyết thu giữ phương tiện, hiện vật vi phạm; xử phạt bằng tiền theo lũy tiến tháng sau cao hơn tháng trước, năm sau cao hơn năm trước nhiều lần. Có làm được như vậy thì mới mong chuyển biến có hiệu quả tình hình và có tác dụng giáo dục, răn đe, làm gương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.