(HNM) - Để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép có phần trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở khi buông lỏng quản lý.
Một bãi chứa, trung chuyển cát trên địa bàn huyện Gia Lâm. Ảnh: Anh Tuấn |
Đẩy mạnh đấu tranh, xử lý vi phạm
Không chỉ cơ quan chức năng, các địa phương TP Hà Nội đã mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh, xử lý hành vi khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép. Năm qua, lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 217 vụ, với 248 đối tượng và 4 tổ chức; tạm giữ 246 phương tiện tàu, thuyền, 2 máy xúc; tịch thu 5 tàu thuyền; xử phạt vi phạm hành chính 4,440 tỷ đồng. Bốn tháng đầu năm 2017, Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 85 vụ, với 124 đối tượng; tạm giữ 14 tàu cuốc, 46 tàu hút, 12 tàu vận tải; tịch thu 1 tàu thuyền; xử phạt vi phạm hành chính 34 vụ, số tiền 1,045 tỷ đồng…
Nhờ vậy, đến thời điểm này, tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn thành phố không còn công khai, rầm rộ. “Dù tình hình khai thác cát trái phép đã tạm lắng nhưng chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm nạn khai thác cát trái phép” - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết. Ông Tuấn kiến nghị, các cơ quan liên quan sớm bổ sung mốc giới hành chính giữa các tỉnh để làm cơ sở cho việc quản lý, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản. Với dự án nạo vét luồng đường thủy phải điều chỉnh lại chỉ giới nạo vét.
Bởi trước đây, trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Nhà nước đã bố trí nhiều kinh phí để xây dựng các mỏ kè bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai; nếu cho phép nạo vét luồng sát chân kè từ 50 đến 60m sẽ gây sạt lở hệ thống kè tại các xã Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc. Huyện Phúc Thọ đề nghị thành phố kiến nghị với Bộ Giao thông - Vận tải điều chỉnh lại chỉ giới nạo vét luồng đoạn này về phía bờ tả, cách mỏ kè 300m để bảo đảm an toàn tuyến kè trên địa bàn.
Để tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng kiến nghị sở, ngành liên quan đơn giản hóa thủ tục hành chính; Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông - Vận tải) tăng cường kiểm tra, giám sát không để các tàu, thuyền neo đậu trái phép khu vực ven sông Hồng; khảo sát kỹ thực trạng và lấy ý kiến của chính quyền địa phương trước khi cấp phép thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm…
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười, phát triển hệ thống giao thông đường thủy, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, việc nạo vét lòng sông phục vụ tàu, thuyền lưu thông là cần thiết. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ hoạt động này, Cục Đường thủy nội địa cần thông báo cho các địa phương các đoạn cạn chưa đạt cao độ thiết kế làm cơ sở để xác định phạm vi, vị trí được phép nạo vét. Trong quá trình nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm cát, các đơn vị thực hiện dự án phải lắp đặt hệ thống giám sát trên tất cả thiết bị phương tiện tàu cuốc, tàu hút, tàu vận chuyển…
Siết chặt quản lý
Để quản lý hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản, TP Hà Nội đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật tài nguyên, khoáng sản; tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát, hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát, hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng... Các quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm vi phạm sử dụng đất đai bãi sông, khai thác cát trái phép. Thành phố sẽ bố trí kinh phí để xây dựng bến tạm giữ phương tiện vi phạm trên sông phục vụ công tác kiểm tra, xử lý…
Liên quan việc xử lý các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết, hiện các cơ quan chức năng của thành phố đang tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch để làm cơ sở xử lý, giải tỏa các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng sai phép, trái phép...
Ngoài thực hiện giải pháp nêu trên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, các bộ, ngành chuyên môn sớm xây dựng thông tư hướng dẫn quy định cụ thể các trường hợp khai thác tài nguyên gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng khai thác cát trái phép.
Bộ Giao thông - Vận tải sửa đổi Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT ngày 9-11-2015 theo hướng: Chỉ cho phép triển khai những dự án nạo vét trong danh mục dự án đã được phê duyệt và công bố, không chấp thuận những dự án do nhà đầu tư đề xuất để bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu nạo vét luồng đường thủy, không để xảy ra tình trạng lợi dụng nạo vét để khai thác cát trái phép.
Cục Đường thủy nội địa cần khảo sát chi tiết luồng đường thủy, xác định cụ thể những đoạn cạn cần nạo vét để đưa vào danh mục nạo vét; gửi hồ sơ dự án đến UBND các tỉnh, thành phố để lấy ý kiến trước khi phê duyệt… Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cần phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong giám sát hoạt động khai thác cát lòng sông và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông…
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố đến năm 2020, Hà Nội có 30 điểm mỏ cát san lấp, trong đó 26 điểm mỏ cát sông Hồng và 4 điểm mỏ cát sông Đà, với tổng diện tích 2.364,3ha, trữ lượng khoảng 117,6 triệu mét khối... Hiện nay, cơ quan chức năng đã cấp phép khai thác một mỏ cát (bãi nổi) trên sông Đà và 15 mỏ cát trên sông Hồng, với tổng diện tích 674,43ha. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.