Từ vụ TikToker Thơ Nguyễn đăng nội dung độc hại với trẻ em, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và TikTok Việt Nam đã thống nhất lập đường dây nóng (hotline) hoạt động 24/7 giữa 3 đơn vị để xử lý nhanh những sự việc tương tự.
Những ngày qua, TikToker Thơ Nguyễn (tên thật là N.T.H.T, thường trú tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị phản đối mạnh mẽ do đăng tải hai clip có nội dung phản cảm, độc hại với trẻ em. Đặc biệt, clip dùng búp bê "cầu vía học giỏi" đăng ngày 27-2 của Thơ Nguyễn được đánh giá có chứa nội dung mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển và nhận thức của trẻ em, khiến nhiều phụ huynh và dư luận bức xúc. Các cơ quan chức năng đã làm việc với TikToker Thơ Nguyễn. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cũng đã xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy mê tín, dị đoan kể trên của TikToker này.
Là đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông giao trực tiếp soạn thảo Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025", Cục An toàn thông tin cùng với Cục Trẻ em đã làm việc với đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ TikTok Việt Nam. Các đơn vị đã thống nhất thiết lập đường dây nóng, thường xuyên trao đổi, cập nhật những thông tin, vụ việc xảy ra trên các kênh TikTok nhằm xử lý nhanh những nội dung tương tự như vụ đưa thông tin độc hại với trẻ em trên kênh Thơ Nguyễn có thể lặp lại hoặc sẽ phát sinh trong tương lai; tránh tình trạng sau khi sự việc xảy ra, cộng đồng mạng và các cơ quan truyền thông lên án mới xử lý.
Cục An toàn thông tin và Cục Trẻ em đề nghị TikTok tăng cường kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao để cập nhật thêm kiến thức về văn hóa, tín ngưỡng cũng như lịch sử của Việt Nam cho đội ngũ nhân viên kiểm duyệt nội dung. Đội ngũ này cần nhạy cảm, ý thức sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, giá trị đạo đức của Việt Nam, nhất là khi họ duyệt nội dung cho đối tượng trẻ em. Đồng thời, TikTok cần nghiên cứu bổ sung các nội dung tốt, phù hợp với trẻ em vào các chương trình cộng đồng, góp phần "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu", tham gia hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Trước đó, vào tháng 3-2020, Cục An toàn thông tin và Cục Trẻ em đã ký kết kế hoạch phối hợp về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng. Kế hoạch hướng tới mục tiêu tăng cường phối hợp chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nhiều nội dung hoạt động được hai cơ quan phối hợp thực hiện, như: Khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để kết nối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng hoạt động vì trẻ em...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.