Đô thị

Lắp đặt camera giám sát trên địa bàn toàn thành phố: Nâng hiệu quả đầu tư, khai thác

Nhóm phóng viên 11/03/2024 - 07:19

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về việc “Rà soát, đánh giá hiện trạng và nhu cầu triển khai hệ thống camera giám sát, xây dựng vị trí chung, tổng thể cho hệ thống camera của thành phố”.

Theo đó, việc phủ kín “mắt thần” ngoài việc phục vụ công tác quản lý, giám sát, điều hành giao thông và quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội mà còn nâng cao hiệu quả đầu tư, phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, đầu tư hệ thống này như thế nào, sử dụng nguồn dữ liệu sao cho hiệu quả… vẫn là những vấn đề khiến nhiều người băn khoăn.

he-thong-camera-an-ninh-lap.jpg
Hệ thống camera an ninh lắp đặt theo hình thức xã hội hóa góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân). Ảnh: Linh Nhi

Lợi ích “kép” của hệ thống “mắt thần”

Hệ thống camera giám sát, thu thập dữ liệu dân cư nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự…được ví như "mắt thần", và là một phần quan trọng trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật của đô thị thông minh. Sau hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân sinh sống, lao động và học tập với gần 8 triệu phương tiện giao thông. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ vẻn vẹn chưa đến 2.000 người. Trung bình biên chế của lực lượng công an tại các phường, xã chỉ trên dưới 20 cán bộ. Lực lượng quá mỏng khiến nhiệm vụ bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, xử lý vi phạm hành chính, quản lý trật tự văn minh đô thị… gặp nhiều khó khăn.

Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, một trong những vấn đề bức xúc nhất của Thủ đô hiện nay là “vấn nạn” ùn tắc giao thông. Bên cạnh nguyên nhân từ việc quá tải hạ tầng giao thông, sự bất cập trong quy hoạch đô thị…, còn có nguyên nhân từ ý thức người tham gia giao thông. Hiện thành phố có 550 nút điểm đèn tín hiệu, 605 camera. Các camera truyền tải, kết nối về Trung tâm chỉ huy của Công an thành phố Hà Nội. Camera giám sát giao thông chia làm 2 loại để đo lưu lượng giao thông trên đường, quan sát tổng thể và nhận diện tình huống của người điều khiển phương tiện giao thông để xử lý vi phạm.

Còn theo Trung tá Nguyễn Đăng Tiến, Đội trưởng Đội tuần tra dẫn đoàn (Phòng Cảnh sát giao thông), hệ thống camera giao thông còn góp phần đắc lực vào công tác dẫn đoàn khách quốc tế, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước lưu thông trên đường phố vào các khung giờ khác nhau. Căn cứ vào tình hình thực tế trên đường, lực lượng Cảnh sát giao thông có thể chủ động dẫn đoàn đi theo phương án an toàn, hiệu quả nhất.

Nhìn ở góc độ chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Huy Khiêm cho biết, nếu hệ thống camera giám sát được “phủ sóng” tới từng ngõ, ngách, đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp chính quyền cơ sở trong công tác quản lý tại địa phương, đồng thời có tính chất “răn đe” để người dân tự nâng cao ý thức. Cùng chung quan điểm, Thiếu tá Trương Quốc Chính, Phó Trưởng Công an phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho rằng, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát không chỉ giúp bảo đảm an ninh trật tự, bổ sung công cụ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an trong kiểm tra, giám sát, làm căn cứ truy vết vi phạm, góp phần kéo giảm tình hình tội phạm trên địa bàn.

Vẫn còn những băn khoăn

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hệ thống camera giám sát, tuy nhiên, để phủ kín mạng lưới “mắt thần” toàn thành phố và thu thập dữ liệu đô thị, Hà Nội có thể phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Theo Trung tá Trương Song Thành, để tiết kiệm chi phí đầu tư, cần thiết phải xây dựng một trung tâm thông tin phục vụ cho quá trình xây dựng đô thị thông minh trong tương lai. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa là giải pháp tối ưu.

Đơn cử, tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), sau 2 năm tích cực triển khai, hiện đã có 19/28 tổ dân phố hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống camera giám sát bằng nguồn xã hội hóa. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô Phan Thị Hải Yến, nhiều vụ việc vi phạm vệ sinh môi trường, mất an ninh trật tự, trộm cắp… đã được phát hiện, xử lý nhờ hệ thống camera an ninh tại các gia đình và tại các khu vực công cộng trên địa bàn phường. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình xã hội hóa là hệ thống thiết bị không đồng bộ và không có kênh kết nối liên thông.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương Vũ Huy Khiêm, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu dân cư vẫn mang tính chất “phòng” nhiều hơn “chống”. Thực tế, ở những nơi có camera giám sát, người dân sẽ có ý thức hơn trong sinh hoạt, tham gia giao thông… Tuy nhiên, khi có vi phạm xảy ra, việc trích xuất dữ liệu ra sao, xử phạt như thế nào, lực lượng nào phụ trách việc kiểm tra dữ liệu thường xuyên để phát hiện và xử lý vi phạm… vẫn là bài toán khó.

Như vậy, song song với việc phân kỳ đầu tư để lắp đặt hệ thống camera giám sát, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cần phải có định hướng rõ ràng để đồng bộ hóa thiết bị, khai thác hiệu quả dữ liệu thu thập. Cùng với đó, sớm xây dựng trung tâm thông tin; áp dụng, tích hợp công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn dữ liệu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lắp đặt camera giám sát trên địa bàn toàn thành phố: Nâng hiệu quả đầu tư, khai thác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.