(HNM) - Theo thống kê gần đây, lao động nữ hiện chiếm khoảng 1/3 tổng số lao động Việt Nam ở nước ngoài. Con số này phản ánh vai trò và vị thế mới của phụ nữ và những đóng góp to lớn của họ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, lao động nữ xuất khẩu chủ yếu đi từ nông thôn, không có kỹ năng và trình độ nên chỉ làm ở các ngành nghề có thu nhập thấp và phải gánh chịu không ít rủi ro.
Nạn nhân của lừa đảo
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện Gia đình và Giới, lao động nữ xuất khẩu thường có rất ít thông tin về nước đến lao động và phụ thuộc hoàn toàn vào người môi giới hay các công ty tuyển dụng. Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội mới đây cho thấy, có nhiều tiêu cực trong hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, các công ty môi giới sử dụng thủ đoạn lôi kéo người lao động đi bằng mọi cách để lấy tiền tuyển dụng, bất chấp công việc ở nước ngoài có mức lương quá thấp, điều kiện lao động kém. Khi ký kết hợp đồng, các công ty này không công khai các khoản đóng góp của người lao động, tuyên bố mập mờ tiền lương. Một phụ nữ đi lao động vài tháng rồi bị trục xuất về ở Đông Tân, Thái Bình cho biết: "Trong hợp đồng đưa ra để ký, công ty tuyển dụng nói tiền lương khá cao, nhưng sang bên đó chị em mới biết mình được bao nhiêu. Chúng tôi đi giúp việc nhà, chủ nhà trả cho người môi giới, họ lấy bao nhiêu rồi mình không biết được". Đấy là chưa kể đến trường hợp vì lương thấp, vì không được biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi chấp nhận ký hợp đồng lao động nên đã có một bộ phận không nhỏ thất vọng khi phải làm công việc thu nhập thấp, bị chủ ăn chặn tiền công, bị bóc lột đã bỏ trốn ra ngoài làm, sống bất hợp pháp, mong mỏi có thu nhập cao hơn để rồi bị ngồi tù hoặc trục xuất về nước.
Lao động nữ Việt Nam làm việc tại một xưởng chế tác vàng ở Malaysia. |
Ngoài gian lận về chi phí đào tạo, khám sức khỏe, một số thủ đoạn khác mà các công ty tuyển dụng dùng để bóc lột người lao động là tính phí làm hộ chiếu và visa, vé máy bay cao hơn thực tế rất nhiều. Mới đây, một doanh nghiệp tuyển dụng của Nhà nước cũng bị Đoàn giám sát của Quốc hội phát hiện đã thu của người lao động tiền vé máy bay cao hơn 5 triệu đồng/người. Một "chiêu" các công ty thường áp dụng là chỉ đưa hợp đồng cho người lao động ký trước khi lên đường vài ngày nhằm lợi dụng tâm lý nóng ruột của người lao động để họ chấp nhận nhanh các điều khoản có lợi cho công ty.
Gánh nặng mưu sinh
Để tìm việc làm ở nước ngoài, nhiều lao động nữ phải trả một khoản tiền cho các công ty môi giới cao gấp nhiều lần so với quy định tuyển dụng. Khảo sát cho thấy ở nhiều địa phương, người lao động đã phải chạy vạy, vay mượn đến 60 triệu đồng để đóng tiền đi lao động ở Hàn Quốc trong khi phí tuyển dụng quy định chỉ có 699 USD. Kết quả khảo sát 171 phụ nữ lao động xuất khẩu ở Đông Tân, Thái Bình cho thấy chỉ có 18,4% số người đi lao động phải đóng dưới 10 triệu đồng, 42,3% đóng từ 11-20 triệu đồng; 25,2% đóng từ 21-30 triệu đồng; 4,1% phải đóng từ 31-40 triệu đồng và 9,4 % đã đóng từ 41-140 triệu đồng. Nhưng với những trường hợp đóng dưới 10 triệu đồng, hầu hết đều bị trừ thêm vài ba tháng lương đầu sau khi sang nước ngoài làm việc. Vay nợ với lãi suất cao để đóng phí môi giới đang tạo ra các nguy cơ bất ổn cho phụ nữ và gia đình họ. Đặc biệt là trong trường hợp vay mà không đi được, hoặc phải về nước trước thời hạn thì nợ nần sẽ là gánh nặng lớn.
Đi xuất khẩu lao động, phụ nữ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập như bị ngược đãi hoặc phải sống trong những điều kiện lao động tồi tàn, bị lạm dụng sức lao động và thân thể. Một nữ công nhân từ Malaysia trở về cho biết: "Em phải làm từ 8h sáng đến 8h tối, có khi đến 12h đêm, thậm chí bị ngất chủ cũng không cho về… Nhà cửa bên đó như cái chuồng chim, phòng ở nóng quá nên có lần em bị xuất huyết tưởng chết. Thế nhưng, em chỉ được nghỉ một ngày tuy trong hợp đồng nói ốm đau được nghỉ, nhưng thực tế không phải như vậy".
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với lao động nữ xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm khuyến nghị, cần nâng cao hiểu biết của người dân về luật pháp, trước hết là các thủ tục pháp lý liên quan đến quá trình đi xuất khẩu lao động, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hoạt động môi giới, tuyển dụng đưa người đi xuất khẩu lao động. Các công ty lừa đảo, đã bị tước giấy phép hoạt động và các thủ đoạn lừa đảo của các công ty làm ăn bất chính được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng là một cách giúp chị em giảm bớt thiệt thòi trong quá trình xuất khẩu lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.