(HNM) - Trên cơ sở các nguyên tắc của Luật Bình đẳng giới, Luật Lao động, các bộ, ngành, đặc biệt là Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã quan tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của lao động nữ đi làm việc tại nước ngoài.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Quỹ Phát triển phụ nữ của Liên hợp quốc (UNIFEM), đến nay các quyền cụ thể và nhu cầu của nữ lao động Việt Nam nhập cư vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thể chế hóa trong các chính sách pháp luật và các quy định dịch vụ liên quan.
Lao động Việt Nam làm việc tại Malaixia. Ảnh: Hồng Khánh |
Dễ bị thiệt thòi do đặc thù giới trong công việc
Tiến sỹ Suzette Mitchell, Trưởng Đại diện IFEM khẳng định, Việt Nam có khoảng 500.000 người đang làm việc ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó 25-30% là phụ nữ. Địa chỉ chị em thường đến là Inđônêxia, Philíppin. Theo thống kê, lao động nữ Việt Nam chiếm tới 60% tổng số lao động nữ nước ngoài tại các quốc gia này. Đây là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do đảm đương những công việc mang tính chất đặc thù về giới, như hộ lý, chăm sóc, giúp việc gia đình… Cách đàn áp điển hình nhất là chủ bắt làm việc quá giờ, chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân kém, bị quỵt lương.
Tuy nhiên, đến nay các quyền cụ thể và nhu cầu của nữ lao động Việt Nam nhập cư vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thể chế hóa trong các chính sách pháp luật và các quy định dịch vụ liên quan. Trong khi đó, các trường hợp hợp đồng có nội dung sai lệch hoặc lừa đảo cũng đã bị phát hiện. Phụ nữ cũng chưa đủ năng lực để tự kiểm soát và sử dụng số tiền tiết kiệm từ thu nhập của mình. Thường thì chỉ khi cơ quan thông tin đại chúng đưa ra ánh sáng các vụ việc, hành động sai trái mà lao động nữ gặp phải thì chị em mới được cơ quan chức năng quan tâm, bảo vệ những quyền lợi thiết yếu cho họ.
Về vấn đề này, bà Tuyết Minh, Phó Chánh Văn phòng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB &XH) cho biết: "Cho đến nay, phụ nữ Việt Nam khi lao động ở nước ngoài cũng chưa gặp phải vụ việc gì quá nghiêm trọng. Mặc dù vậy, khi xa nhà, những thiệt thòi về giới của cả nam và nữ đều không thể tránh khỏi, trong đó nữ giới thường thiệt hơn nam giới".
Để bảo vệ quyền lợi nhóm đối tượng này, việc tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang là vấn đề được Chính phủ ưu tiên và tích cực hợp tác. Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang cùng UNIFEM thực hiện dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với tổng kinh phí là 250.000 USD. Để phù hợp với Việt Nam, các hoạt động của dự án được thiết kế theo 2 mục tiêu chính. Thứ nhất, tăng cường kiến thức cơ bản về giới, chính sách pháp luật và các vấn đề liên quan đến di cư lao động tại Việt Nam. Mục tiêu thứ 2 là nâng cao năng lực các cơ quan của Chính phủ, các công ty hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và các tổ chức cộng đồng để phụ nữ đi làm việc và gia đình của họ có thể tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ về kinh tế và xã hội. Theo tiến độ làm việc hiện nay, dự kiến khoảng năm 2011, các chính sách, luật pháp và các hướng dẫn thực thi sẽ gắn bó, liên quan nhiều hơn tới các quyền của phụ nữ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Việc thảo luận về tăng cường chính sách cũng sẽ được thiết lập ở các nước đến. Bên cạnh đó, năng lực của các cơ quan nhà nước, tổ chức tuyển dụng và các tổ chức cộng đồng cũng sẽ được nâng cao.
Những hệ lụy…
Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là khi số phụ nữ đi xuất khẩu lao động tăng thì việc giữ gìn hạnh phúc gia đình của họ sau khi trở về lại dường như chưa được quan tâm đúng mức. Thái Bình là nơi được Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ (Hội LHPN Việt Nam) chọn làm mẫu cho nghiên cứu về tác động của xuất khẩu lao động đến cuộc sống gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 30-40% gia đình có người đi xuất khẩu lao động bị tan vỡ mái ấm. Nguyên nhân chính của sự đổ vỡ này là người chồng thiếu trách nhiệm, sống buông thả hoặc do sự thay đổi lối sống, quan điểm sống của người vợ sau khi đi xuất khẩu lao động về. Ví như một số chị em được tiếp thu kiến thức "tây học", không muốn chấp nhận một ông xã bê tha nữa. Nghiên cứu cũng cho rằng, xuất khẩu lao động không làm tăng chất lượng các hoạt động chăm sóc và tái tạo sức lao động như kỳ vọng.
Rõ ràng, hệ lụy của xuất khẩu lao động là chức năng gia đình bị biến đổi, quan hệ gia đình lỏng lẻo dẫn đến tha hóa đạo đức, tệ nạn xã hội. Điều này có lẽ cũng cần được Hội LHPN Việt Nam quan tâm, đề xuất phương án xử lý khi phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thúc đẩy xuất khẩu lao động cho nữ giới. Bởi rõ ràng mục đích cuối cùng của những chuyến đi lao động dài ngày xa nhà chính là cuộc sống hạnh phúc, no ấm ngày trở về chứ không phải điều gì khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.