Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao động làm việc ở nước ngoài tăng nhanh: Chưa thể hài lòng

Minh Ngọc| 05/01/2020 09:50

(HNM) - Năm 2019, đã có hơn 147.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nâng tổng số lao động làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2016-2019 lên hơn 500.000 người, vượt trước 1 năm so với kế hoạch. Đó là tín hiệu tích cực của thị trường lao động nhưng chưa thể hài lòng, bởi quan hệ cung - cầu về lao động còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần nâng cao kỹ năng nghề cũng như kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Giữ đà tăng liên tiếp

Nhìn lại công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong những năm gần đây sẽ thấy rõ hơn sự tăng trưởng. Đó là, số lượng người ra nước ngoài làm việc hợp pháp tăng đều hằng năm, từ hơn 126.000 người vào năm 2016, tăng lên hơn 134.000 người vào năm 2017, hơn 142.000 người vào năm 2018 và tiếp tục tăng lên hơn 147.000 người vào năm 2019, vượt xa so với chỉ tiêu đề ra. Đa số lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định, đều đặn gửi tiền về giúp gia đình có vốn phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Bà Nguyễn Thị Hậu, thôn Hạc Sơn, xã Châu Sơn (huyện Ba Vì) cho biết: “Những năm gần đây, nhiều lao động ở xã Châu Sơn đã chọn giải pháp ra nước ngoài làm việc. Cá nhân tôi sau nhiều năm làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc) đã có nguồn tích lũy, đủ chi phí cho cuộc sống”.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2019, thị trường Nhật Bản tuyển dụng nhiều lao động Việt Nam nhất, với hơn 80.000 người sang làm việc, tăng 12.000 người so với năm 2018. Đứng thứ hai là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 54.000 người, tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Rumania… Ngoài ra, nhiều thị trường mới ở Bắc Phi, châu Âu cũng có nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động nước ta.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giữ đà tăng liên tiếp là nhờ các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, đồng thời tích cực đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế liên quan. Cùng với đó, các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm. Phía người lao động dần chú trọng học tiếng, học nghề trước khi ra nước ngoài làm việc; nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động…

Về phía đối tác, nhiều nước đã nới lỏng điều kiện để đón nhiều hơn lao động nước ngoài sang làm việc. Chẳng hạn, từ tháng 4-2019, Nhật Bản thực hiện Luật Quản lý xuất nhập cảnh (sửa đổi), hướng tới mục tiêu tiếp nhận ít nhất 345.000 lao động nước ngoài với nhiều ngành, nghề Việt Nam có thế mạnh. Luật Dịch vụ việc làm (sửa đổi) của Đài Loan (Trung Quốc) cho phép lao động nước ngoài gia hạn hợp đồng tại chỗ, thay vì phải quay về nước gia hạn như giai đoạn trước...

Sớm khắc phục những bất cập

Bên cạnh yếu tố tích cực, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã, đang đặt ra không ít vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đánh giá, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ là yếu tố quan trọng để lao động Việt Nam làm việc tốt hơn tại nước ngoài, nhưng một bộ phận không nhỏ lao động nước ta còn yếu về kỹ năng này. Đáng quan tâm hơn là số lượng lao động có chuyên môn, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, trong khi các thị trường đều ưu tiên tuyển dụng lao động tay nghề cao. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cho người lao động, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh kiến nghị các cơ quan chức năng triển khai mô hình gắn kết đào tạo nghề với việc làm trong nước và xuất khẩu lao động trên phạm vi rộng.

Vấn đề nổi cộm khác là, một bộ phận lao động Việt Nam chưa nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật của nước sở tại, gây ảnh hưởng đến chất lượng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trên thực tế, nhằm hạn chế tình trạng người lao động hết thời hạn hợp đồng vẫn ở lại, cư trú bất hợp pháp, trong những năm vừa qua, Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động ở những địa phương có nhiều người vi phạm. Tương tự, từ tháng 7-2019, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) cũng áp dụng nhiều hình thức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm. Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Điều phối viên quốc gia Chương trình di cư của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, trước khi đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, các đơn vị liên quan nên tăng cường hỗ trợ để người lao động trang bị tốt kiến thức pháp luật, kỹ năng giao tiếp, qua đó có cách ứng xử phù hợp với văn hóa, pháp luật của nước sở tại.

Dưới góc độ nghiên cứu, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh, thị trường lao động trong nước dần khan hiếm nguồn nhân lực, thì việc đưa người lao động đi làm ở nước ngoài phải tính đến yếu tố hài hòa, cân đối với nhu cầu sử dụng lao động trong nước. Ngoài ra, các địa phương nên có chính sách thu hút người lao động trở về để tận dụng lực lượng lao động có kỹ năng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Theo đó, dự kiến trong những năm tới, nước ta có hàng chục triệu lao động trong độ tuổi được đào tạo và đào tạo lại. “Trước mắt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững; khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nguồn lao động làm việc ở nước ngoài trở về. Bộ cũng phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao động làm việc ở nước ngoài tăng nhanh: Chưa thể hài lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.