(HNM) - Kỹ năng là chìa khóa để tăng năng suất lao động, qua đó tăng thu nhập và giảm nghèo. Thế nhưng, ở nước ta hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo, vững kỹ năng làm việc còn thấp, nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thiếu lao động có kỹ năng
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ít nhất 325.000 lao động có kỹ năng. Tiếc rằng, nguồn cung hiện chưa đáp ứng đủ.
Tại Hà Nội, các đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên cần tuyển hàng nghìn lao động qua đào tạo. Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ xây dựng Bách Mỹ (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Phương cho biết, đơn vị cần tuyển lao động cho 15 vị trí việc làm. Dù liên tục tuyển dụng qua nhiều kênh từ tháng 3-2022 đến nay, song đơn vị vẫn chưa tuyển đủ người.
Trong khi đó, theo Trưởng phòng Nhân sự, Công ty TNHH Tư vấn thương mại và dịch vụ Nhiệt đới (phường Long Biên, quận Long Biên) Đỗ Thị Yến, việc tuyển đủ người lao động vững vàng kỹ năng làm việc là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp. Nếu tuyển được lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc, doanh nghiệp cũng khó “giữ chân” được lâu, vì họ luôn có những vị trí tốt hơn chào đón.
Tương tự Hà Nội, thị trường lao động ở các tỉnh, thành phố: Bình Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh... cũng cần tuyển hàng vạn lao động có kỹ năng trong năm 2022.
Ở góc độ kết nối cung - cầu lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành thông tin, nhóm lao động có kỹ năng luôn là đối tượng được các nhà tuyển dụng tìm kiếm, chiếm ít nhất 50% nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, phần lớn lao động tham gia ứng tuyển là lao động phổ thông. Đó là khoảng trống lớn về cung - cầu lao động, cần được các bên quan tâm giải quyết, khắc phục.
Khoảng trống về cung - cầu lao động có kỹ năng được nhận diện rõ hơn khi trên thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ của cả nước mới đạt khoảng 26,1% lực lượng lao động trong độ tuổi. “Đáng quan tâm hơn, với nhóm lực lượng có bằng, chứng chỉ, nhiều người vẫn thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ...”, Giám đốc điều hành Navigos Search (đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam) Nguyễn Phương Mai nhận định.
Chủ động thích ứng
Để trở thành nhân lực có kỹ năng, người lao động cần chủ động thích ứng bằng nhiều cách, trong đó cần chú trọng tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại nghề nghiệp. Anh Nguyễn Anh Tú, ở phường Hà Cầu (quận Hà Đông), hiện làm nhân viên tại một doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử trên địa bàn quận Thanh Xuân chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi người đảm nhiệm phải hiểu biết về mặt hàng đang kinh doanh, có kỹ năng khai thác thị trường, có ý tưởng mới; đồng thời phải có kỹ năng bán hàng, tương tác với khách hàng... Để hoàn thiện bản thân, tôi liên tục tham gia các khóa đào tạo nâng cao liên quan đến công việc đang làm”.
Về phía người sử dụng lao động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở các lớp đào tạo mới hoặc đào tạo lại cho người lao động. Phó Giám đốc khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Văn Hà cho biết: “Từ tháng 2-2022, chúng tôi phối hợp với Trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội mở lớp đào tạo nghề quản lý khách sạn cho 60 cán bộ, nhân viên. Việc bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động giúp chúng tôi phần nào khắc phục được tình trạng khan hiếm nhân công lĩnh vực du lịch, khách sạn thời điểm hiện nay”.
Dưới góc độ quản lý, các cơ quan chức năng cần ưu tiên, chú trọng tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn khẳng định, Sở khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố phối hợp với doanh nghiệp tiến hành tuyển sinh, đào tạo theo sát nhu cầu sử dụng lao động. Với nhóm lao động nông thôn, lao động chưa qua đào tạo, lao động bị ảnh hưởng về việc làm do dịch Covid-19, các bên liên quan có nhiều chính sách ưu tiên để họ tham gia các khóa đào tạo nghề, qua đó rộng mở cơ hội việc làm. Hướng phát triển lực lượng lao động có kỹ năng như của thành phố Hà Nội cũng được nhiều tỉnh, thành phố triển khai.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay, Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động”, bảo đảm chất lượng, tiến độ... Phấn đấu trong năm 2022, cả nước có thêm hơn 2 triệu người được đào tạo nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ lên 27-27,5% và tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.
Dưới góc nhìn khách quan, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng, việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng là chìa khóa để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Vì thế, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần vào cuộc quyết liệt, sớm nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động để thực hiện mục tiêu quan trọng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.