Theo Reuters, các nhà lãnh đạo liên minh cầm quyền của Đức sẽ nối lại đàm phán ngân sách 2024 vào chiều nay (10-12, giờ địa phương), nhằm tìm kiếm thỏa thuận về cách lấp lỗ hổng ngân sách đang thiếu 17 tỷ euro chi tiêu cho các dự án công nghiệp, chính sách khí hậu và phúc lợi xã hội.
Thủ tướng Olaf Scholz của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck của Đảng Xanh và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) cho đến thời điểm này vẫn chưa đạt được thỏa hiệp. Ngân sách của Đức đã rơi vào tình trạng khủng hoảng do một phán quyết của tòa án vào tháng 11 rằng Berlin không thể chuyển 60 tỷ euro số tiền chưa sử dụng từ đại dịch Covid-19 sang các sáng kiến xanh và hỗ trợ công nghiệp.
Ngày 10-12, phát biểu tại hội nghị đảng SPD, Thủ tướng Scholz tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận nhưng cho biết sẽ không có sự cắt giảm nào đối với phúc lợi, lĩnh vực mà ông Lindner muốn cải cách. Đảng SPD cũng đã nhất trí về việc cần thiết cải cách trong trung hạn giới hạn vay đang tự áp đặt nhằm tạo ra nhiều không gian hơn để giải quyết vấn đề ngân sách.
Sự bế tắc trong vấn đề ngân sách đã gây ra bất đồng lớn giữa các công ty công nghiệp trong và ngoài nước về việc liệu nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể tuân thủ các cam kết tài trợ của mình hay không. Các nhà lãnh đạo liên minh cảnh báo rằng, trừ khi liên minh ba bên của Đức sớm tìm ra giải pháp, nếu không hàng nghìn việc làm và một số dự án đầu tư cao cấp sẽ gặp rủi ro, có khả năng gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh lâu dài của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Tình trạng bất ổn về ngân sách đang tạo ra loạt vấn đề mới trong lúc Đức đang “đấu tranh” để “giành mối” đầu tư tại các địa điểm ở châu Á và Mỹ, đồng thời đối mặt với nguy cơ các hãng công nghiệp lớn chuyển địa điểm ra nước ngoài.
Nếu không đạt được thỏa thuận, liên minh cầm quyền có thể sụp đổ, nhưng hầu hết các nhà quan sát cho rằng việc đạt được thỏa thuận và duy trì quyền lực là lợi ích của tất cả các bên. Vì vậy, một ngân sách tạm thời cho năm tới có thể được thực hiện nếu không đạt được thỏa thuận nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.