Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng tôi, năm 1972...

Nguyễn Ngọc Tiến| 17/12/2022 11:20

(HNNN) - Tháng 12-2022 là tròn 50 năm đế quốc Mỹ gây tội ác với Thủ đô Hà Nội, trong đó có ngôi làng đẹp đẽ của tôi. Chiến tranh đã lùi xa, dấu tích không còn nhưng dân làng tôi chẳng bao giờ quên những người bị chết vì bom Mỹ.

Phố Phương Liệt ngày nay. Ảnh: Nguyễn Minh

Làng Phương Liệt của tôi (nay thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) xưa có tên là làng Vọng, thuộc tỉnh Hà Đông. Tuy là đất ngoại ô nhưng chỉ một bước là vào nội thành. Năm 1961, Nhà nước phân chia địa giới hành chính thành phố, làng tôi vào nội thành, đổi thành khối 60 thuộc khu Đống Đa. Dẫu vậy người làng chẳng ai gọi là khối, đi đâu vẫn bộc bạch “làng Phương Liệt”, nghe thuận tai và thân thuộc hơn.

Ca dao ngạn ngữ Hà Nội xưa có câu: “Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui”. Thời Nguyễn, làng tôi có nghề dệt gối, sợi thì mua ở tận chợ Bờ, Hòa Bình, dệt xong khâu lại nhồi bông mang lên bỏ mối cho các nhà buôn ở phố Hàng Bông. Ngoài nghề dệt gối làng còn làm nông nghiệp.

Cuối thế kỷ XIX, sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp lấy đất làng xây đài phát vô tuyến điện (nay là tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam 128C phố Đại La), sau đó lại lấy đất làm kho chứa than ở phía đông, cho xây ga Vọng. Ở phía tây bắc, họ lập xưởng đá, làm đường tàu qua đầu làng để chở đá hộc từ Thanh Hóa, Ninh Bình ra nghiền nhỏ, phục vụ cho các công trình xây dựng. Còn phía tây, họ xây sân bay quân sự Bạch Mai. Đoạn quốc lộ 1 chạy qua làng trở thành phố Vọng.

Trước đình làng có 2 cái đầm rất rộng, người Pháp cho tư nhân đấu thấu trồng sen, nuôi cá. Ruộng bị thu hẹp, nghề dệt gối không cạnh tranh được với gối Tây, vì thế phụ nữ trong làng quay ra gây rau muống bè, đàn ông thì vào phố làm công và học được nghề quét vôi.

Cũng như các làng ngoại ô Hà Nội, đàn ông Phương Liệt chất phác, chăm chỉ. Con trai lớn lên nếu không thể học tiếp thì theo các ông cai trong làng đi quét vôi, sơn cửa. Thợ vôi Phương Liệt khéo tay, biết cách hòa nước vôi rất sánh, chọn đót buộc chổi gọn gàng và quét rất nghệ. Họ được các nhà thầu Pháp, nhà thầu ta tin tưởng, gọi đi quét vôi ở Bắc Bộ Phủ, dinh Thống sứ, Bưu điện..., việc quanh năm, từ tháng Giêng cho đến áp Tết. Xưa, chủ Bách hóa Tràng Tiền muốn quét vôi thì dứt khoát phải gọi cai Phương Liệt, bởi chỉ có thợ làng này quét trần phía dưới vẫn mua bán bình thường, không một giọt nào rớt xuống sàn.

Các cụ già làng Phương Liệt thường kể xưa làng rộng và nên thơ. Cho đến thời bao cấp đường làng ngõ xóm vẫn nguyên gạch chỉ lát nghiêng, hàng rào dâm bụt xén gọn. Nhà nào cũng có mảnh vườn trồng cây ăn quả. Tháng 3 hoa bưởi thơm nức ngõ. Đình làng thờ Cao Sơn Đại Vương. Sân có 2 cây muỗm thân to hai người lớn ôm không hết. Trước đình có đầm mênh mông, tháng 6 sen nở, gió đông nam thổi, nhà nào cũng được ngửi hương thơm như nhau. Tháng 8, người làng Vòng ời ời gọi mua lá sen gói cốm. Tháng 11 thì dân Hạ Đình đến mua lá sen già gói cà bát muối. Những năm 1960, hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, chủ yếu nuôi cá, thả rau muống bè và dệt mành. Lại có bà đứng ra lập tổ đan len gia công cho nhà nước xuất khẩu sang các nước Đông Âu.

Cuộc sống cứ trôi cho đến  khi Mỹ đánh bom miền Bắc. Đầu năm 1965, cũng như các khối phố khác, dân làng tôi sơ tán về các vùng quê. Dù sát ngay sân bay Bạch Mai nhưng may mắn bình yên. Nhưng ngày 6-4-1972, Mỹ đánh bom miền Bắc lần thứ 2. Ngày 16-4, nhiều phố và làng ở Hải Phòng, Hà Nội đẫm nước mắt vì người thân chết vì bom Mỹ. Làng Tương Mai trúng bom, có người chết xác văng xuống ao mấy ngày mới tìm thấy. Dân làng tôi lại rục rịch sơ tán, có nhà chia ra đi 2, 3 nơi.

Ngày 4-7-1972, trong cuộc không kích sân bay Bạch Mai, máy bay Mỹ đã ném 2 quả bom xuống làng Phương Liệt. Một quả rơi trúng một gia đình đang chuẩn bị đi sơ tán, làm 5 người chết, trong đó có cả trẻ thơ. Một quả bom rơi xuống hồ sen đang nở rộ, làm tan tác những cánh sen hồng.

Đêm 18-12, Mỹ huy động máy bay B52 đánh bom Hà Nội. Đêm ngày 21, rạng sáng ngày 22, B52 thả một vệt bom từ ga Giáp Bát qua làng Tám đến làng Phương Liệt và dừng lại ở Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó tôi học trường cấp 3 Đoàn Kết, đang sơ tán theo trường về xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Nghe tin, tôi xin nghỉ học đạp xe về nhà. Một quả bom rơi vào trường học sau hậu cung đình, để lại cái hố sâu hoắm. Mắt tôi rơm rớm. Cạnh trường có ông cụ người Hoa gà trống nuôi con, chúng tôi gọi là ông Tầu, chuyên bán “bi ron ron” trên phố. Tôi hỏi một anh dân phòng, anh bảo làng chỉ có một bà bị chết bom, còn nhà ông Tầu may mà kịp lên phố ở nhờ. Đất đá lấp kín đường, tôi quẳng xe chạy bộ. Đến giữa ngõ thì thấy căn nhà gỗ của gia đình tôi xô nghiêng. Tôi chạy nhanh về nhà, cánh cửa tung ra, tôi lách người chui vào, không thấy có xe đạp, vậy là đêm qua cha tôi ở bệnh viện. Một quả bom rơi giữa ao phía sau nhà, mấy nhà xung quanh đều bị sập, bùn đất và hoa bèo tây tím trùm lên mái. Tôi lập tức chạy ra bệnh viện, tìm quẩn quanh thì thấy cha đang cùng mọi người khiêng những cục bê tông chắn lối vào phòng bệnh nhân của khoa Tai - Mũi - Họng...

Chiến tranh đã lùi xa gần một đời người, dấu tích không còn nhưng dân làng tôi chẳng bao giờ quên những người bị chết vì bom Mỹ. Làm sao có thể quên được!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng tôi, năm 1972...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.