Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng tăm hương Hoa Đường: Khổ vì… nghề phụ

Minh Phú| 14/09/2014 06:29

(HNM) - Thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa vốn nổi tiếng với nghề mây tre đan xuất khẩu.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Trường Thịnh Nguyễn Hải Đăng, xã có hai thôn được công nhận làng nghề truyền thống với khoảng 500 cơ sở sản xuất. Trong đó, thôn Hoa Đường chủ yếu làm tăm hương, còn thôn Đống Vũ làm mây giang đan. Tính ra, một người đứng máy tăm hương một ngày có thể kiếm được 300 nghìn đồng tiền công. Nhờ nghề này, mà hầu hết lao động trong xã đều có việc làm và thu nhập ổn định. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn xã đã đạt 17 triệu đồng/người/năm.

Phân loại tăm tại xưởng sản xuất của gia đình anh Lê Văn Dân.


Đến thôn Hoa Đường, ngay từ đầu thôn đã bắt gặp hình ảnh tăm hương phơi la liệt trên các con đường làng. Người dân tận dụng mọi diện tích để phơi tăm. Trưởng thôn Hoa Đường Cao Văn Thạo cho biết, thôn có 280 hộ dân nhưng có đến 80% số hộ có lao động tham gia sản xuất tăm hương. Tất cả các hộ sản xuất tăm đều xuất khẩu sang Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Nhìn lại cách đây 20 năm, không ai nghĩ nghề này lại phát triển trên đất Hoa Đường nhanh đến vậy. Theo ông Thạo, thời điểm đó, cả thôn Hoa Đường tập trung làm hàng "rổ, rá" xuất khẩu. Đến năm 2008, làng nghề phát triển mạnh, thôn Hoa Đường đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Bằng công nhận làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, không lâu sau do chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới, hàng sản xuất ra không bán được, thu nhập giảm, số hộ bỏ nghề ngày một đông, lao động thiếu việc làm.

Cuối năm 2008, hai hộ gia đình đầu tiên trong thôn đã tìm được "mối" tiêu thụ tăm hương. Họ đã đứng lên mở xưởng sản xuất, nhận lao động vào làm. Các hộ bảo nhau, chẳng bao lâu, cả thôn đã có 18 xưởng sản xuất, mỗi xưởng thu hút 20-30 lao động. Xưởng sản xuất của anh Lê Văn Dân là hộ sản xuất tăm hương sớm và lớn nhất xã. Anh Dân cho biết, gia đình đã gắn bó với nghề được 8 năm. Hiện gia đình anh đã đầu tư 5 máy tăm, 3 máy lột, 1 máy chà, 1 lò sấy và 1 máy nghiền bộ tận thu phế liệu với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng tại khu nhà xưởng sản xuất của gia đình có diện tích 500m2, giải quyết việc làm cho 30 lao động với thu nhập 150 nghìn đồng/ngày công.

Bí thư chi bộ thôn Đỗ Thanh Soan cho biết, với 18 xưởng sản xuất, mỗi ngày làng nghề tiêu thụ hết 70 tấn vầu. Sản xuất đã được cơ giới hóa với các loại máy móc hỗ trợ như máy chẻ, máy lột, máy cắt. Những công việc thủ công cần đến sức lao động của con người chỉ có ở hai khâu là pha thanh và nhặt tăm (phân loại). Nhờ vậy mà mỗi xưởng sản xuất 3-5 tấn vầu/ngày nhưng cũng chỉ cần khoảng 15-20 lao động.

Mặc dù nghề chẻ tăm hương phát triển mang lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ dân nhưng khi số hộ sản xuất và quy mô sản xuất càng tăng thì người dân trong thôn Hoa Đường càng khổ. Hầu hết các xưởng sản xuất đều tận dụng mọi diện tích có thể của gia đình nên chật chội, bụi tăm mù mịt khiến bầu không khí ngột ngạt. Trong khi đó, người lao động gần như chẳng có trang phục bảo hộ hoặc chỉ sử dụng những chiếc khẩu trang rất sơ sài. Tại xưởng sản xuất của anh Lê Văn Dân, với quy mô sản xuất 5 tấn vầu/ngày, gia đình thu được 1 tấn tăm loại 1 và một số ít tăm loại 2. Số còn lại khoảng 60% nguyên liệu bỏ đi trở thành phế thải.

Trưởng thôn Cao Văn Thạo nhẩm tính, mỗi ngày cả thôn Hoa Đường thải ra khoảng 50 tấn mùn. Không chỉ bụi bặm tại các hộ sản xuất, những mùn bụi khi gặp gió còn bay rất xa, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ gia đình chung quanh. Hầu hết phế thải được các hộ thu gom và mang ra đồng để đốt. Ông Đỗ Xuân Lộc ở thôn Hoa Đường cho biết, người dân trong thôn luôn phải sống chung với tiếng ồn sản xuất, bụi và khói đốt chất thải. Làng nghề phát triển nhanh đến mức họ không lường trước được những bất cập nảy sinh trong đời sống khiến nó trở thành vấn đề vô cùng nhức nhối của cả làng. Sau rất nhiều trăn trở về môi trường làng nghề, gia đình anh Nguyễn Văn Dân là hộ đi đầu trong thôn đã học hỏi được kỹ thuật chế biến rác, bụi để tận thu. Hiện nay, ngoài việc tận thu phế liệu của gia đình mình, anh Dân còn thu mua thêm 6 tấn phế liệu/ngày để ép thành viên, bán cho các doanh nghiệp làm chất đốt. Tuy vậy, việc làm này mới chỉ giải quyết được 20% phế thải của thôn. Hiện người dân Hoa Đường vẫn đau đáu tìm hướng đi cho sự phát triển bền vững của làng nghề. Ô nhiễm môi trường là vấn đề rất cần được quan tâm tháo gỡ để người dân bớt khổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng tăm hương Hoa Đường: Khổ vì… nghề phụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.