Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Quan Nhân

ANHTHU| 22/04/2004 16:12

Trước Cách mạng Tháng Tám, Quan Nhân là làng đông dân nhất trong các làng Mọc với 2329 nhân khẩu, sống tại 7 xóm, gồm 4 xóm bên trong là: Cầu Ba, Ninh  Phúc, Ao Nghè, Lẻ và 3 xóm bên ngoài là: Chùa, Vườn Điều và Cổng Hậu. Trai đinh của làng được chia thành 5 giáp: Đan Hội, Hương Bào, Tân Khánh, Dục Khánh, Xuân Thụy.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Quan Nhân là làng đông dân nhất trong các làng Mọc với 2329 nhân khẩu, sống tại 7 xóm, gồm 4 xóm bên trong là: Cầu Ba, NinhPhúc, Ao Nghè, Lẻ và 3 xóm bên ngoài là: Chùa, Vườn Điều và Cổng Hậu. Trai đinh của làng được chia thành 5 giáp: Đan Hội, Hương Bào, Tân Khánh, Dục Khánh, Xuân Thụy. Các dòng họ đén lập cư sớm tại làng đến nay còn biết được là họ Trương, họ Trần Quốc vốn là tôn thất nhà Trần, họ Nguyễn Đình; họ Lưu Đình (sau đổi thành Lê Trọng)...

Trước Cách mạng Tháng Tám, trong các làng Mọc thì làng Mọc Quan Nhân có ít ruộng đất nhất (theo Địa bạ Gia Long - 1805, làng chỉ có 207 mẫu). Cũng như các làng Mọc khác, dân làng ít làm ruộng, mà chủ yếu đi làm viên chức (trong đó một số lớn là quan lại các cấp) và buôn bán, làm hàng xáo. Vì vậy, đời sống nhân dân trong vùng tương đối khá giả. Câu ngạn ngữ ‘’Tiền làng Mọc, thóc Phùng Khoang’’ hay ‘’Lắm quan Kẻ Mọc, lắm thóc Mễ Trì’’ xuất phát từ đó.

Thời phong kiến, làng Mọc Quan Nhân có một số người đỗ đạt, gồm một Tiến sĩ (Lê Trọng Điền, đỗ khoa ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng - 1775) và 6 Hương cống, Cử nhân. Hiện làng vẫn còn Văn chỉ để thờ các vị tiên hiền.

Làng Quan Nhân xưa có ngôi đình ở ngoài đồng, đến năm Chính Hòa thứ 22 (1701), ông Nguyễn Đức Kinh là người làag, làm quan Đô lại đã đứng ra hưng công chuyển đình về chỗ hiện nay. Đình xây theo kiểu chữ ‘’Công’’, thành hai đình : Đình Trong và Đình Ngoài. Trong đình còn bức ván bằng đồng, soạn năm Tự Đức thứ sáu (1853), ghi lại sự tích vị thần được thờ ở đình. Đây là một trong hai bản thần phả được khắc trên ván đồng của Thủ đô ta (một bản ở làng Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên). Vị thần được thờ là Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng công, là hậu duệ của Vua Hùng, đã chiêu tập dân làng đánh giặc Nam Chiếu và lập được nhiều chiến công (năm 863). Đây là một trong số rất ít vị tướng chống quân Nam Chiếu được nhân dân tôn thờ. Đình còn phụ thờ phu nhân của ông là Trương Mỵ nương (người làng Quan Nhân), đã tự vẫn sau khi nghe tin chồng hy sinh. Hội làng diễn ra vào ngày mồng 10 tháng Hai.

Cứ 5 năm một lần, làng Quan Nhân cùng với các làng: Chính Kinh, Cự Lộc, Giáp Nhất và Phùng Khoang lại mở hội chung, gọi là hội vùng Mọc, trong ba ngày: 10, 11, 12 tháng Hai, để nhớ lại chiến tích dân trong vùng theo Hùng Lãng công đánh giặc Nam Chiếu cuối thế kỷ IX. Đây là hội lớn nhất của vùng phía Tây huyện Thanh Trì xưa.

Người làng Mọc Quan Nhân cùng các làng Mọc khác trong vùng sớm có truyền thống yêu nước, chống các giặc ngoại xâm, như giặc Nam Chiếu (thế kỷ IX), giặc Minh (thế kỷ XV), Thanh (cuối thế kỷ XVIII). Đầu thế kỷ XX, Quan Nhân là một điểm tuyên truyền của Đông Kinh Nghĩa thục. Năm 1913, ông Nguyễn Văn Diếc là người làng, tham gia Việt Nam Quang phục hội, đã chế tạo ra quả bom để Nguyễn Khắc Cần đánh vào khách sạn Con Gà vàng ở phố Tràng Tiền, ông bị bắt và đày đi Côn Đảo. Từ năm 1930, cơ sở cách mạng đã hình thành ở làng. Trong các cuộc kháng chiến, 48 người con của làng đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng hòa bình, người làng Quan Nhân tiếp tục truyền thống học hành thành đạt của cha ông, với 15 người có học hàm, học vị (tính đến đầu năm 1997).

T.S Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Quan Nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.