Kinh tế

Đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường thế giới

Đỗ Minh 12/01/2024 - 17:09

Ngày 12-1, Công ty MILAIKA, Italia - Công ty Tư vấn sáng tạo thiết kế (một trong những công ty uy tín hàng đầu Italia và châu Âu) của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ của châu Âu đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về xúc tiến đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường thế giới.

Xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ

Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.

Thành phố hiện có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 274 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống.

quang-canh-buoi-lam-viec(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc.

Nhóm nghề chính của các làng nghề là: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 197 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; xử lý chế biến, nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất ngành, nghề nông thôn có 16 làng nghề; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn có 5 làng nghề.

“Sản phẩm của làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt; một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren truyền thống; mây tre đan; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản, thực phẩm. Sản phẩm làng nghề Hà Nội đã xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ”, Giám đốc Sở Nguyễn Xuân Đại chia sẻ.

gd-so-tang-tranh.jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại tặng bức tranh hoa sen được gắn từ hạt gạo của Việt Nam cho đại diện Công ty MILAIKA.

Không chỉ có thế mạnh về nghề và sản phẩm làng nghề, các làng nghề còn là nguồn lực kinh tế lớn tại các địa phương. Theo tổng hợp báo cáo từ các quận, huyện, thị xã, tổng doanh thu của làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 22.000 tỷ đồng/năm.

Những năm qua, các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Trong đó, khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm…

Bà Barbara Ebbli, đại diện Công ty MILAIKA đánh giá cao về sản phẩm làng nghề Hà Nội, đặc biệt là các làng nghề thủ công mỹ nghệ, thêu, dệt lụa Vạn Phúc… Là công ty chuyên về thiết kế, bà Barbara Ebbli mong muốn có thể kết hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội, các làng nghề truyền thống nhằm xây dựng hệ thống giới thiệu sản phẩm làng nghề Việt Nam tại Italia và một số nước khác.

Dư địa phát triển lớn

Mặc dù là "đất trăm nghề”, song các làng nghề của Hà Nội chưa phát huy được thế mạnh. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, dư địa phát triển của làng nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nội là rất lớn. Để thúc đẩy các làng nghề phát triển, Hà Nội thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề, mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Mặc dù có thế mạnh nhưng hạn chế lớn nhất của làng nghề truyền thống Hà Nội nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung là chưa cải tiến mạnh về mẫu mã, thiết kế; có nơi chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường, số lượng, nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm”, Giám đốc Sở Nguyễn Xuân Đại chỉ rõ.

tham-lang-nghe-van-phuc-2.jpg
Bà Barbara Ebbli, đại diện Công ty MILAIKA, nghe giới thiệu về lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề, đồng thời, giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề Hà Nội, thành phố đã ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 4-12-2019 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội làm cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển làng nghề; ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 3-3-2022 về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; tiếp tục xem xét ban hành một số nội dung, mức hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội.

Thành phố cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch đối với 2 làng nghề: Dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Theo kế hoạch của UBND thành phố, trước mắt, thành phố phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Thành phố cũng ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4-3-2022, trong đó xây dựng thí điểm 6 mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

UBND thành phố cũng đã thống nhất chủ trương xây dựng Đề án phát triển tổng thể làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2050 nhằm đánh giá thực trạng, phân tích lợi thế, nguồn lực và khó khăn, thách thức, đưa ra mục tiêu, giải pháp, kế hoạch, đề án đầu tư phát triển làng nghề bền vững của thành phố, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô.

tham-lang-nghe-van-phuc.jpg
Bà Barbara Ebbli, đại diện Công ty MILAIKA, thăm xưởng sản xuất lụa tại làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông.

Đáng chú ý, thời gian qua, thành phố rất quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm OCOP làng nghề nói riêng; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại...

Bà Barbara Ebbli, đại diện Công ty MILAIKA, cho biết, tại buổi khai mạc Khu gian hàng của thành phố Hà Nội tại Pavilion 10, Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế (AF L'ARTIGIANO 2023) Milan, Italia ngày 2-12-2023 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức, 8 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ uy tín của Hà Nội đã mang tới Hội chợ nhiều sản phẩm trưng bày, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn liên kết. Thời gian tới, Công ty MILAIKA sẽ chủ động liên kết với Sở NN&PTNT Hà Nội, các làng nghề để lựa chọn sản phẩm xuất khẩu, thiết kế và xây dựng thị trường quốc tế.

Ngay sau buổi làm việc, Công ty MILAIKA tham quan làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) và làng nghề thêu Quất Động (huyện Thường Tín).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.