Nông thôn mới

Hà Nội triển khai đề án tổng thể phát triển làng nghề:Tạo điều kiện nâng cao tốc độ tăng trưởng

Nguyễn Mai 14/02/2025 - 06:43

Giữa tháng 1-2025, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đề án được kỳ vọng tháo gỡ những điểm nghẽn và giúp các làng nghề nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển bền vững.

quoc-oai.jpg
Sản xuất miến tại làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai). Ảnh: Đỗ Tâm

Thêm hỗ trợ cho các làng nghề

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Ngoài những thành tựu đã đạt được, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, phát triển thiếu bền vững.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, năng lực cung ứng, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ cho các làng nghề còn hạn chế và phụ thuộc vào các tỉnh bạn. Quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ, xen kẽ trong khu dân cư, năng lực tài chính hạn chế. Cơ sở hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có trình độ sử dụng công nghệ…

Chính vì vậy, trong “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được phê duyệt, thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 5 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Thành phố phấn đấu công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển 10 làng từ “làng nghề” lên “làng nghề truyền thống”. Hà Nội cũng dự kiến đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và bảo tồn phục dựng không gian văn hóa làng nghề, nhằm phát triển ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 điểm, tuyến du lịch làng nghề.

Đồng thời, thành phố phấn đấu tối thiểu 80% người lao động tại làng nghề, làng nghề truyền thống được đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. Hà Nội dự kiến có hơn 50% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); đồng thời, hỗ trợ số hóa cho những sản phẩm làng nghề này. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt 10%/năm và có ít nhất 30% làng nghề có không gian trưng bày, điểm giới thiệu, bán sản phẩm hoặc bán hàng trên sàn thương mại điện tử...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thành phố sẽ tập trung vào công tác quy hoạch làng nghề; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát triển làng nghề. Đồng thời, thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề; rà soát, xây dựng vùng nguyên liệu cung ứng tại chỗ, bảo đảm cung ứng một phần nguyên liệu cho các làng nghề. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với sản phẩm OCOP và hình thành thêm những mô hình làng nghề gắn với du lịch, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện hiệu quả đề án

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh nhận định, Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là tin vui cho các làng nghề. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nội còn nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển. Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng cho phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô, tạo cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho Hà Nội, trong đó có làng nghề.

Bà Hà Thị Vinh mong muốn, thành phố Hà Nội sớm ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết đề án gắn với việc triển khai thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Các sở, ban, ngành cùng nhanh chóng có biện pháp tham gia hỗ trợ làng nghề thay đổi quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại…

Ở thị xã Sơn Tây, các làng nghề hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu là chế biến nông sản, thực phẩm. Nhiều hộ sản xuất ở các làng nghề đã đưa máy móc vào sản xuất. Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Bùi Hồng Hà chia sẻ, làng bánh tẻ Phú Nhi xưa xay bột, thái thịt, hành, mộc nhĩ hoàn toàn thủ công, nay các hộ đã có máy xay bột, thái hành, mộc nhĩ, đánh bột,… Khi triển khai đề án, các làng nghề sẽ được hỗ trợ nhiều hơn để áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện phát triển tốt hơn.

Triển khai đề án, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT) đang tham mưu thành phố đưa các nội dung của đề án vào kế hoạch hằng năm của thành phố để thực hiện. Trong đó, năm 2025, Sở NN&PTNT đã xây dựng dự thảo kế hoạch gửi các sở, ngành, quận, huyện cho ý kiến trước khi triển khai cụ thể. Đề án được xem là "đòn bẩy", tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững và vươn xa, gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa; góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động; qua đó đóng góp vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng khu vực nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội triển khai đề án tổng thể phát triển làng nghề: Tạo điều kiện nâng cao tốc độ tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.