(HNM) - Những pho tượng đủ hình dáng, kích cỡ bày la liệt còn các người thợ tài hoa thì miệt mài gọt giũa, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật. Đó là hình ảnh quen thuộc ở các xưởng sản xuất thuộc làng nghề điêu khắc Nhân Hiền, xã Hiền Giang (Thường Tín).
(HNM) - Những pho tượng đủ hình dáng, kích cỡ bày la liệt còn các người thợ tài hoa thì miệt mài gọt giũa, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật. Đó là hình ảnh quen thuộc ở các xưởng sản xuất thuộc làng nghề điêu khắc Nhân Hiền, xã Hiền Giang (Thường Tín).
Điêu khắc đồ gỗ ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt |
Đưa chúng tôi đi dọc theo làng Nhân Hiền, ông Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Chương tự hào giới thiệu: Toàn thôn Nhân Hiền có 583 hộ dân thì có tới 445 hộ làm nghề điêu khắc (chiếm 75% lao động trong thôn). Trong đó có trên chục xưởng lớn thu hút nhiều lao động. Đến thăm xưởng sản xuất tượng gỗ điêu khắc của gia đình anh Nguyễn Văn Chúc ở xóm 3, chúng tôi thấy có khoảng 40 lao động đang miệt mài đục đẽo. Gần bước sang tuổi 50, anh Chúc trở thành một trong những thợ giỏi và thành đạt của làng nghề. Hầu hết các tượng do gia đình sản xuất đều làm theo đơn đặt hàng của khách trong nước và một số lượng lớn được anh xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nhật, Ấn Độ... Nhờ có nhiều hợp đồng xuất khẩu nên lao động trong cơ sở sản xuất của anh luôn có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 2 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài làm tượng gỗ, thời gian gần đây, một số hộ dân làng nghề Nhân Hiền còn du nhập thêm nghề điêu khắc đá mỹ nghệ. Anh Nguyễn Minh Phú, chủ một cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ trong làng cho biết, mặc dù mới bắt tay vào mặt hàng này, song nhiều sản phẩm đã xuất trên thị trường thế giới. Ông Vũ Văn Chương cho biết, ước tính trung bình mỗi năm làng nghề Nhân Hiền xuất ra thị trường vài nghìn pho tượng các loại, trong đó số tượng xuất khẩu chiếm tới khoảng 50% đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân làng nghề.
Theo các cụ cao niên trong làng thì Nhân Hiền là mảnh đất đã có nhiều thợ mộc tài hoa trong kiến trúc dựng nhà, dựng cung điện, đình, chùa... Họ từng được triều đình phong kiến thời Lý mời về kinh, cùng chung sức xây dựng nên kinh thành Thăng Long hoa lệ. Nếu như trong lịch sử, nét tài hoa từ nghề mộc đã khiến tiếng tăm của thợ mộc làng nghề nổi danh khắp kinh thành thì hôm nay, những sản phẩm tượng gỗ điêu khắc của làng nghề không chỉ dừng lại ở trong vùng mà còn được xuất khẩu tới thị trường các nước trên thế giới. Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Chúc cho rằng, để những sản phẩm điêu khắc của làng có tiếng vang, chinh phục được cả những thị trường khó tính phụ thuộc vào sự tài hoa, cái tâm và cả sự hiểu biết về từng tích truyện của người thợ làng nghề.
Có thể khẳng định rằng, Nhân Hiền đang cùng với rất nhiều làng nghề khác của Thủ đô góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.
Nguyễn Mai
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.