Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lắng nghe người lao động

Hà Hiền| 01/05/2023 11:15

(HNMO) - Nguyện vọng lớn nhất của người lao động là có việc làm, thu nhập, được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) lâu dài để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Hiểu rõ điều này, các bên liên quan luôn lắng nghe người lao động, để thấu hiểu, chia sẻ và cùng tìm hướng phát triển.

Về phía người sử dụng lao động, những năm gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19, không ít đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến họ phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự. Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, đời sống, thậm chí rời khỏi hệ thống BHXH.

Đa số doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm việc làm cho người lao động từ sức mạnh nội lực và các chính sách hỗ trợ an sinh.

Tuy nhiên, hiện tại đại đa số người sử dụng lao động cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn bằng sức mạnh nội lực và nhờ các chính sách hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ của Chính phủ. Chẳng hạn, tại Công ty Việt Nhật (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai), Trưởng phòng Tổ chức của Công ty Mai Đức Cường cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm nhựa gia dụng với quy mô hơn 1.100 lao động, trong đó khoảng 60% là nữ. Luôn coi người lao động là vốn quý, là tài sản lớn nhất nên Công ty đặc biệt chú trọng bảo đảm về việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động.

Giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có những thời điểm, Công ty Việt Nhật phải cắt giảm 50% giờ làm, nhưng vẫn bảo đảm tiền lương và đóng BHXH, bảo hiểm y tế đầy đủ cho các thành viên. Nhờ đó, đa số người lao động coi Công ty Việt Nhật là “ngôi nhà chung”, nỗ lực làm việc cho đến khi hết tuổi lao động. 

Với người lao động, sau thời gian dài bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khó khăn chung của nền kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu, họ nhận thấy rõ hơn giá trị của việc làm, của điểm tựa an sinh nhờ tham gia BHXH. Thế nên, tự bản thân mỗi người có ý thức, chủ động hơn trong việc duy trì việc làm, rèn luyện kỹ năng để giảm nguy cơ bị sa thải.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, trú tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho hay: “Hiện, tôi vừa đi làm phụ bếp cho một nhà hàng, vừa đi học nghề nấu ăn vào các buổi tối và ngày nghỉ để nâng cao tay nghề. Thấy tôi luôn cố gắng vươn lên, chủ nhà hàng tạo điều kiện thuận lợi cho tôi học nghề, hứa chuyển đổi vị trí việc làm, tăng lương sau khi tôi học xong”. 

Người lao động được bày tỏ, phán ánh về tình hình thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế tại các đơn vị.

Dưới góc độ quản lý, thực hiện các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, các cơ quan chức năng ngày càng thể hiện rõ vai trò định hướng, kết nối người lao động với người sử dụng lao động; giữa hai đối tượng này với thị trường việc làm và hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bên liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả chuỗi giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chú trọng hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm. Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, hiện đại, minh bạch. Đây cũng là yếu tố nền tảng để số đông người lao động có thể tham gia BHXH lâu dài, góp phần hiện thực hóa các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng.

Các cơ quan chức năng lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của người lao động thông qua các hội nghị đối thoại trực tiếp về BHXH.

Lắng nghe người lao động, hệ thống cơ quan BHXH từ trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại với người lao động và người sử dụng lao động về các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp. Đặc biệt, theo kế hoạch, từ cuối tháng 4 đến tháng 9-2023, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đây là kênh thông tin quan trọng để ngành BHXH tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người lao động, người sử dụng lao động về các chính sách đang triển khai. Từ ý kiến tiếp nhận, tổng hợp, các cơ quan chức năng đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội trong việc xây dựng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn và nhu cầu, mong muốn của người lao động.

Ngoài hình thức đối thoại trực tiếp, hiện nay, BHXH Việt Nam còn tiến hành tư vấn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng các chính sách qua tổng đài điện thoại, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội...

Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ một điều, các bên không chỉ nỗ lực quan tâm bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động, mà còn chú ý lắng nghe người lao động ở nhiều góc độ, tạo cơ hội cho các bên thấu hiểu lẫn nhau, cùng nhau phát triển. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.