(HNM) - Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã khiến nhiều làng nghề (LN) lao đao, hàng triệu lao động bị mất việc làm. Nhờ những nỗ lực từ nội tại các LN và sự hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua một số LN đã dần hồi phục.
Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang" nhiều LN của Hà Nội hiện lại đang lao đao. Tại nhiều LN hiện nay, sản xuất giảm sút chỉ còn 50% so với trước, rất nhiều thợ có tay nghề đã phải bỏ nghề vì thu nhập quá "bèo bọt", nguy cơ mất nghề truyền thống đang hiển hiện ở nhiều nơi.
Sản xuất giảm 50% so với trước
Số hộ làm nghề mây giang đan tại các làng nghề ở xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) đã giảm sút đáng kể. Ảnh: Minh Phú
Ngày 8-9, có mặt tại xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, nơi từng thu hút 90% số hộ sản xuất mây giang đan xuất khẩu, nay không còn cảnh tấp nập của xe tải chở nguyên liệu và sản phẩm vào ra, cũng không còn cảnh nhà nhà, người người làm nghề như trước… Đường làng, ngõ xóm vắng hoe. Đi sâu vào các thôn Xâm Dương, Bằng Sở… lác đác mới có vài hộ còn làm hàng. Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sở Lê Hồng Lân cho biết: "LN giờ đang thoi thóp. Ngày công quá rẻ mạt, trông vào nghề có mà chết đói, các hộ làm nghề trước đây, kể cả các nghệ nhân, thợ giỏi cũng đã bỏ nghề cả rồi". Cũng theo ông Lân, chỉ những người già hết tuổi lao động hoặc sức khỏe, trí tuệ kém… mới chịu ở nhà đan lát với thu nhập 25.000-30.000 đồng/ngày công. Nếu như cách đây 3-4 năm, cả xã có trên 2.000 hộ sản xuất mây giang đan thì nay chỉ còn vài trăm hộ, từ 25 hộ đứng ra làm đầu mối thu gom hàng trước đây nay chỉ còn 16 hộ nhưng quy mô đều giảm bằng một nửa so với lúc nghề thịnh vượng.
Không riêng Ninh Sở, cảnh tượng ảm đạm như trên cũng lặp lại ở LN các xã Trường Yên, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ). Ông Nguyễn Gia Dư, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết, nếu như thời hoàng kim, xã có 90% số hộ làm mây giang đan thì nay chỉ còn 40%. Lúc phát triển, địa phương có 30 DN sản xuất, kinh doanh mây giang đan thì nay chỉ còn 10 DN. Bà Nguyễn Thị Tiến, công nhân Công ty TNHH Mây tre đan Hoa Nam xã Trường Yên kể: Nếu như cách đây 3 năm, DN này có hàng trăm lao động sản xuất tập trung và hàng ngàn lao động vệ tinh trong và ngoài xã thì hiện tại, số lao động đang làm việc ở đây chỗ còn vỏn vẹn 10 người.
Chương Mỹ là huyện dẫn đầu Hà Nội về số làng có nghề và làng được công nhận LN với tổng số 33 làng, chiếm 70% số đó là LN sản xuất mây giang đan xuất khẩu. Theo ông Đào Xuân Hà, Phó phòng Kinh tế Chương Mỹ, chưa bao giờ LN lại èo uột như lúc này. Chỉ trong vòng 3 năm nay, sản xuất mây giang đan của huyện đã giảm 50% cả về giá trị và sản lượng, 50% DN hoạt động trong lĩnh vực này bị phá sản hoặc chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng khác…
Chồng chất khó khăn Ông Bùi Văn Việt, chủ DN ở thôn Yên Trường, xã Trường Yên cho biết, hầu hết sản phẩm mây giang đan là xuất khẩu nhưng nhiều DN đã mất bạn hàng do đối tác gặp khó khăn về kinh tế; do sản phẩm không cạnh tranh được với sản phẩm các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc; trong khi đó DN của ta lại không tìm được các đối tác mới… Không xuất khẩu được hàng, nguồn vốn bị tồn đọng, nhiều DN phải vay vốn lãi suất ngân hàng cao nên thua lỗ nặng. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhiều LN ngày càng khan hiếm và không thể chủ động được. Ông Hà so sánh, nếu trước đây, nguyên liệu phục vụ các LN được nhập về từ tỉnh Hòa Bình theo quốc lộ 6 chỉ trong 100km thì nay, các hộ LN phải lặn lội khắp Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, sang cả Lào để thu mua song, mây, tre, nứa… chi phí vận chuyển cao gấp 3-4 lần nên giá thành sản phẩm lên cao. Sản xuất èo uột, người thợ cũng ít có cơ hội để trình diễn tay nghề; lao động bỏ nghề sẽ làm mất đi đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi - tinh hoa của các LN. Ở nhiều LN, người dân đã bắt đầu lo lắng về nguy cơ mai một các LN truyền thống.
Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công, tư vấn và PTCN (Sở Công thương Hà Nội), để hỗ trợ các LN, Trung tâm đã mở các lớp đào tạo truyền nghề, nhân cấy nghề, tập huấn thiết kế mẫu mã sản phẩm… Đặc biệt là đưa DN mây giang đan, sơn mài và gốm sứ tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã tổ chức 3 đoàn với 25 DN tham gia 2 hội chợ trong nước và 1 hội chợ quốc tế tại Đức. Kết quả, nhiều DN đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và hứa hẹn sẽ có thêm nhiều bạn hàng xuất khẩu mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.