Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lặng lẽ vì thành phố sạch đẹp

Hương Ly| 22/11/2016 06:41

(HNM) - Công việc nặng nhọc, độc hại trong khi đồng lương eo hẹp và mức phụ cấp ít ỏi, nhưng lòng yêu nghề đã giữ chân những công nhân nạo vét kênh, mương, cống ngầm gắn bó với công việc. Không ít gia đình mấy thế hệ theo nghề và họ vẫn gọi vui là


Bùn lầy và những con người giản dị


Thời điểm này mùa mưa vừa đi qua, song không khí làm việc tại Tổ Mương 1, Xí nghiệp Thoát nước số 3 (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn chẳng nhàn đi. Tại điểm trũng cuối cùng của mương 62 Lĩnh Nam (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), gần 30 công nhân miệt mài làm việc. Người dầm mình trong dòng nước đen kịt vét từng xô bùn, người thoăn thoắt chuyền tay nhau đổ bùn vào xe chứa để đẩy ra điểm tập kết.



Anh Nguyễn Văn Hội, Tổ trưởng Tổ Mương 1 cho biết, đội có 28 công nhân, nhận nhiệm vụ nạo vét mương 62 từ đầu tháng 11. Sau khi nạo vét sạch sẽ, 600m mương bảo đảm dòng chảy khơi thông. Ngoài các nhiệm vụ trên, Tổ Mương 1 còn quản lý các mương thoát nước trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai.

Theo chị Nguyễn Thị Như Hiền, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 3, đơn vị đang quản lý hệ thống kênh, mương, sông thoát nước của toàn bộ quận Hai Bà Trưng và một phần quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, với tổng chiều dài 25.068m. Trong đó, có hơn 6.700m kênh, mương và hơn 18.000m sông. Toàn đơn vị có 250 công nhân viên, với 7 tổ duy trì nạo vét. Nhiệm vụ chính của đơn vị là khơi thông kênh, mương, cống ngầm, bảo đảm thoát nước, chống úng ngập mùa mưa.

Công việc vất vả, độc hại với những nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo do phải làm việc trực tiếp trong môi trường ô nhiễm, song mức thu nhập của công nhân nạo vét kênh, mương, cống ngầm còn khá thấp. Ngoài mức lương trên dưới 6 triệu đồng/tháng, tùy theo nhiệm vụ cụ thể được giao, hằng tháng mỗi công nhân được nhận thêm mức phụ cấp độc hại trả bằng hiện vật là vài chai dầu ăn, một cân đường, hộp sữa hay thùng mì tôm. Thế nhưng, chị Hiền, anh Hội và rất nhiều công nhân khác đều gắn bó hàng chục năm với bùn đất, cống rãnh cho tới khi cầm sổ hưu.

Nghề “gia truyền” vất vả

Theo chân Tổ Cống ngầm 1, Xí nghiệp Thoát nước số 3 trong một buổi làm việc, mới có thể thấu hiểu phần nào công việc độc hại của những công nhân. Anh Nguyễn Hoài Minh, Tổ trưởng Tổ Cống ngầm 1 cho biết, đội có 11 công nhân, quản lý hệ thống cống thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng, một phần quận Hoàng Mai. Là đội cống ngầm thủ công nên công việc của anh em công nhân vô cùng vất vả. Mặc dù được trang bị quần áo chuyên dụng và khẩu trang chống độc, song chỉ sau 30 phút chui vào cống, mồ hôi, bùn đất sẽ bịt kín khẩu trang, không thể thở được nên đa phần anh em đều hít trực tiếp khí độc trong cống để có thể nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.

“Vất vả nhất là khi nạo vét cống 600 (chỉ to bằng vành nón) và cống 800, ba đến bốn công nhân sẽ cùng chui vào nạo vét. Dù chưa có trường hợp nào bị ngất trong khi làm việc do mọi yêu cầu về kỹ thuật đều được tuân thủ nghiêm ngặt, song việc phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, các chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp là chuyện thường ngày với công nhân đội cống ngầm” - anh Minh chia sẻ.

Khi được hỏi về mức phụ cấp độc hại sau 25 năm gắn bó với nghiệp nạo vét cống ngầm, anh Minh cho biết, phụ cấp mới được tăng từ mức 4 chai dầu ăn lên 5 chai mỗi tháng. Vài tháng, mỗi công nhân được nhận thêm một cân đường. “Đồng lương eo hẹp, phụ cấp không đáng là bao, song gia đình tôi vẫn có nhiều thế hệ gắn bó với nghề thoát nước, khơi thông kênh, mương, cống rãnh. Nói là nghề “gia truyền” cũng đúng, hay nói gắn bó vì yêu nghề cũng đúng. Bởi, công việc dù gian khó nhưng nếu chẳng ai nhận, thì ai sẽ là người làm sạch Thủ đô”.

Theo chị Nguyễn Thị Như Hiền, những trang thiết bị cần thiết phục vụ công việc của anh em công nhân luôn được Xí nghiệp quan tâm. Thế nhưng, với nhiều hạng mục công việc, máy móc cơ giới không thể thay thế mà hoàn toàn phải làm thủ công. Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, các công nhân nạo vét kênh, mương còn cùng tất cả các đồng nghiệp trực thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nhận nhiệm vụ ứng trực trọng điểm ngập khi thành phố xảy ra mưa to. Bất kể đêm ngày, gió rét, lệnh ứng trực 24/24 giờ phát ra cũng đồng nghĩa với việc các công nhân phải có mặt tại các “điểm nóng” về úng ngập sau 30 phút.

Biến đổi khí hậu, hóa chất độc hại và ý thức giữ gìn môi trường của người dân còn hạn chế đã khiến công việc hằng ngày của công nhân nạo vét kênh, mương thêm phần khó khăn, vất vả. Mong muốn của đa số công nhân là mức phụ cấp độc hại sẽ được điều chỉnh phù hợp để người lao động có thêm động lực để gắn bó hơn với nghề lặng thầm làm đẹp Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lặng lẽ vì thành phố sạch đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.