Làng Hoè Thị (còn gọi là Canh Chợ), nối tiếp làng Thị Cấm, trên con đường cổ từ kinh thành Thăng Long - Cầu Giấy - Cầu Diễn vào bến đò Cổ Sở ven sông Đáy (bến Giá, nay là xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây).
Ngoài nông nghiệp, làng Hòe Thị còn có hai nghề thủ công tương đối nổi tiếng trong vùng là nghề ren và nghề hàn thiếc.Từ xa xưa, thợ rèn làng Hòe Thị mang lò, bễ đi các nơi để rèn dao, kéo, liềm cuốc, xẻng. Cuối thế kỷ XIX, khi Thành phố Hà Nội được mở rộng, thợ rèn và cả thợ thiếc Hòe Thị ra phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) và phố Lò Rèn để làm nghề. Riêng phố Lò Rèn, tập trung chủ yếu người làng Hòe Thị. Họ lập cả ngôi đình ở trên gác nhà số 1 để người làng hành nghề ở đây và các phố khác ở Hà Nội đến làm lễ. Sản phẩm của nghề rèn là các loại dao kéo, đục chàng, bản lề, móc cửa, kìm…; còn sản phẩm của nghề thiếc là các loại thùng, bình đựng nước…
Làng Hòe Thị có ngôi đình thờ Phan Tây Nhạc - bộ tướng của Hùng Vương thứ 18,nằm ven đường Thiên lý, gần Ngã tư Canh. Tương truyền, đình là nơi đóng của đội Trung quân của Phan Tây Nhạc (tiền quân đóng ở làng An Trai xã Vân Canh bên cạnh, hậu quân đóng ở làng Thị Cấm). Sau khi chiến thắng giặc trở về, Phan Tây Nhạc đưa gia đình đến ở và lập dinh thự tại đó. Khi Ngài mất, dân làng lập miếu thờ, sau sửa sang, mở rộng thành đình thờ Ngài. Đình có kết câu “Tiền Nhất, hậu Đinh” (tiền tế theo kiểu chữ “Nhất”, hậu cung theo kiểu chữ “Đinh”). Trong đình còn lưu giữ 29 đạo sắc của các triều vua phong cho Phan Tây Nhạc và hai bà vợ của ông là Tả công chúa và Hữu công chúa. đặc biệt, trong đình còn lưu bức hoành phi “Hộ quốc tý dân” (giúp nước cứu dân) của tướng Hoàng Kế Viêm cung tiến, khi ông đóng quân tại đình để tiến ra Cầu Giấy tiêu diệt tướng PhápF. Gác - nhi - ê và đội quân xâm lược, tháng 11 - 1873.
Đối diện với đình làng là chùa Hương Đỗ, mới được dựng lại năm 1928. Chùa nhìn ra con ngòi rộng từ cánh đồng Trầm (làng Hậu Ái, xã Vân Canh) chảy sang. Con ngòi này do Thái uý Đỗ Kính Tu (người làng Hậu Ái) cho quân lính đào trong một ngày đêm (năm 1210) để tiêu nước cho đồng các làng Canh. Sau có kẻ đố kỵ, cáo giác Đỗ Kính Tu đào ngòi để làm phản, nên ông phải tự vẫn ở sông Hồng, tại bến Thượng Cát.
Chính Hội làng Hòe Thị diễn ra vào ngày 12 tháng Hai. Trong hội có tục thổi cơm thi, diễn theo sự tích Phan Tây Nhạc đến vùng Canh chiêu mộ quân sĩ đi đánh giặc, đã tổ chức cho luyện thổi cơm thi để tuyển người vào phục vụ quân sĩ, giống như hội làng Thị Cấm.
Hòe Thị nằm trong vùng Canh, vùng đất có truyền thống học hành thành đạt của huyện Từ Liêm xưa “Từ Liêm tứ qúy : Mỗ - La - Canh - Cót”. Theo Từ liêm Đăng khoa lục thì làng có 11 Hương cống thời Lê và 01 Cử nhân thời Nguyễn, rất nhiều Sinh đồ, Tú tài. Theo một số tài liệu khác thì Tiến sĩ Nguyễn Nhân Uyên (đỗ năm 1565) cũng là người làng này.
Thời cận đại, vào năm 1907, đình Hoè Thị là nơi tuyên truyền cho tư tưởng duy tân của Đông Kinh nghĩa thục. Phan Chu Trinh đã có lần về Hoè Thị để diễn thuyết, cổ vũ tinh thần yêu nước cho nhân dân. Làng Hòe Thị là quê hương của đồng chí Xuân Thủy (1912 - 1984), nhà hoạt động cách mạng, nhà thơ lớn của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.