Có sự nghịch lý ở chuyến thăm Nga hiện tại của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đó là, cả Nga và Triều Tiên đều không làm rầm rộ về sự kiện ngoại giao hiếm thấy trong mối quan hệ giữa hai nước, trong khi bản thân sự kiện lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với triển vọng tương lai của cặp quan hệ song phương này. Cả hai phía đều chỉ công khai thông tin rất ít ỏi về diễn biến của sự kiện trong khi sự kiện được bên ngoài rất quan tâm để ý đến.
Nhìn vào những biểu hiện ra bên ngoài không thấy hai bên nhấn mạnh hay đề cao kết quả cụ thể nào, nhưng trong thực chất, sự kiện này đặc biệt như một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ giữa Nga và Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un vốn rất hiếm khi thực hiện những chuyến thăm đối tác bên ngoài và sau hơn 4 năm lại tới thăm Nga. Bốn năm trước, Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump, người thiết lập và coi trọng mối quan hệ cá nhân với ông Kim Jong-un chứ không như Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden.
Những nồng ấm ít ỏi mà mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên có được thời ông Trump cầm quyền ở Mỹ đã tan biến ở nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ hiện tại của ông Biden. Nếu rồi đây ông Trump có trở lại trị vì nước Mỹ thì thời thân ái xưa giữa Mỹ và Triều Tiên cũng gần như sẽ không trở lại. Đối phó Mỹ vẫn là ưu tiên an ninh và đối ngoại cao nhất đối với Triều Tiên.
Bốn năm trước, nước Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin không bị cầm chân vào cuộc xung đột ở nước láng giềng châu Âu là Ukraine và không đối địch toàn diện với Mỹ cùng đồng minh như hiện tại. Bốn năm trước, Triều Tiên cần gắn bó với Nga hơn Nga cần Triều Tiên. Bây giờ, ông Putin cần Triều Tiên chẳng kém gì ông Kim Jong un càng cần Nga.
Ông Putin cần sự hậu thuẫn chính trị của Triều Tiên trong vấn đề về cuộc xung đột ở Ukraine và trong cuộc đối địch với Mỹ cùng phương Tây. Nếu nhận được sự trợ giúp quân sự trực tiếp của Triều Tiên nữa thì sẽ rất đắc dụng đối với Nga.
Tăng cường quan hệ giữa Nga và Triều Tiên thành "Trục quan hệ gắn kết" sẽ giúp hai nước tạo thế cân bằng giữa ba cặp quan hệ song phương trong tam giác quan hệ Nga - Trung Quốc - Triều Tiên ở khu vực Đông Bắc Á và giúp bộ ba này trở thành một khối liên kết "không liên minh mà như đồng minh".
Triều Tiên cần thành tựu mới trong chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như tiến triển cụ thể đáng kể mới trong chương trình vệ tinh mà sự trợ giúp để tạo đột phá đến từ Nga dễ dàng và thuận lợi hơn đến từ Trung Quốc.
Giữa Nga và Triều Tiên hiện tại đều có những cái bên này cần mà phía kia có thể đáp ứng, có những mong muốn của bên này mà phía kia sẵn sàng giúp hiện thực hóa.
Cho nên, thực chất kết quả chuyến thăm Nga này của ông Kim Jong-un không phải ở những gì hai bên công bố mà ở những điều hai bên không công bố. Đấy chính là nguyên do khiến các đối thủ và địch thủ của họ không thể không quan ngại sâu sắc.
Mỹ đã nhiều lần cảnh báo và răn đe Triều Tiên về viện trợ quân sự cho Nga để Nga sử dụng vào cuộc chiến ở Ukraine. Việc này trong thực chất không gây được ấn tượng mới mẻ gì đối với Triều Tiên, bởi cho đến nay có thể làm gì để gia tăng sức ép và trừng phạt Triều Tiên thì Mỹ đã làm rồi.
Trái lại, Mỹ càng o ép Triều Tiên thì Triều Tiên càng coi trọng việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác với Nga và Trung Quốc. Thời cuộc đã tạo cú hích quyết định cuối cùng để Nga và Triều Tiên láng giềng tin cậy như thể đồng minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.