(HNMĐT)- Làng Dương Xá gồm ba cụm dân cư : Dương Đanh, Dương Đá và Dương Đình. Theo các bậc cao niên trong làng, đó là ba xóm gốc, về sau phát triển các cụm dân cư có tính cách độc lập như những làng riêng, dân gian vẫn gọi là “thôn”.
(HNMĐT)- Làng Dương Xá gồm ba cụm dân cư : Dương Đanh, Dương Đá và Dương Đình. Theo các bậc cao niên trong làng, đó là ba xóm gốc, về sau phát triển các cụm dân cư có tính cách độc lập như những làng riêng, dân gian vẫn gọi là “thôn”. Tuy nhiên, trong sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, chỉ ghi tên xã Dương Xá (không ghi tên các thôn này). Sở dĩ như vậy vì cả ba cụm dân cư vẫn chung đình - đền - chùa, cùng tổ chức hội, chưa trở thành các thôn thật sự độc lập về hành chính và tục lệ.
Đầu thế kỷ XIX, xã Dương Xá thuộc tổng Dương Quang, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ tháng Mười năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 là tỉnh Bắc Ninh).
Sau Cách mạng Tháng Tám, Dương Xá vẫn là xã độc lập. Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng : Yên Bình, Thụân Quang, Thuận Tiến thành xã Đức Thắng thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Tháng 5 - 1961, xã Đức Thắng được chuyển về huyện Gia Lâm , thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Đức Thắng được đổi tên thành Dương Xá.
Dương Xá nằm kề cận đường 5 Hà Nội - Hải Phòng, lại nằm ở đầu Tỉnh lộ 179 từ Quốc lộ 5 đi Phù Đổng, vùng Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), có điều kiện để phát triển kinh tế thương nghiệp kết hợp với nền nông nghiệp đồng mùa. Do vậy, cư dân về đây tụ cư từ rất sớm và trở thành một làng tương đối lớn (năm 1928, làng có 2128 nhân khẩu).
Làng Dương Xá có ngôi đền mang tên Nôm là đền Bà Tấm, kết cấu chữ “Công”. Xưa nay, dân gian vẫn coi đền này thờ bà Nguyên phi ỷ Lan - người phụ nữ nổi tiếng dưới triều Vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Tuy nhiên, gần đây có ý kiến cho rằng, đền thờ bà Thượng Dương - vợ cả của Lý Thánh Tông. Ngoài đền, làng còn có ngôi chùa mang tên Linh Nhân Phúc tự, tương truyền là do ỷ Lan phu nhân xây dựng để làm lễ cầu siêu cho Thái hậu Thượng Dương, sau khi bà bị bức chết cùng 76 thị nữ để chôn theo lăng Lý Thánh Tông (năm 1073). Về sau, chùa thành nơi thờ bà ỷ Lan (cũng có ý kiến cho rằng, là nơi thờ bà Thượng Dương).
Ngoài vị thần chung của cả làng lớn, mỗi thôn trong làng lại thờ một vị thần riêng : Thôn Dương Đanh thờ Lãng Khuê công (Lý Lãng Công) là một trong 12 sứ quân chia cắt đất nước cuối thế kỷ X. Sứ quân này chiếm cứ vùng Siêu Loại, bị Đinh Bộ Lĩnh đánh tan và tử trận tại Dương Đanh ngày 30 tháng Tư năm Mậu Thìn (968) nên được dân thôn thờ.
Thôn Dương Đá thờ Ông Thiện hay Minh điều đại vương, làm quan đời Lý Anh Tông. Đến đời Lý Huệ Tông có công dẹp được cuộc nổi loạn trong cung đình của Quách Bốc (năm 1209). Khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh (năm 1225), với lòng trung quân, ông buồn bực mà chết. Nhà Trần cho di thi hài của ông về thôn Dương Đá và lệnh cho dân thôn lập đền thờ.
Thôn Dương Đình thờ Tiêu Giao Nguyễn đại vương, vốn là người Nghệ An, từng theo Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lập được nhiều công. Lê Thái Tổ lên ngôi, phong cho ông tước Minh Quốc công. Sau khi ông hóa, vua sức cho thôn Dương Đình lập đền thờ.
Hội làng Dương Xá được mang tên là hội đền Bà Tấm, tổ chức từ 19 đến 22 tháng Hai, là một hội lớn trong vùng.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.