(HNM) - Làng bóng đá Việt Nam không ít lần dậy sóng bởi phát biểu từ cấp CLB. Đấy là những lời tâm huyết, nói thẳng, nói thật và quan trọng là nói trúng những tồn tại của bóng đá Việt Nam.
Phát biểu của bầu Kiên đã làm xôn xao làng bóng đá mấy ngày qua.
Cách đây gần chục năm là những phát biểu của ông bầu Đoàn Nguyên Đức rồi của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh ở Hoàng Anh Gia Lai. Lúc ấy, làng bóng đá Việt Nam cũng ào ào bức xúc theo. Nhưng rồi mọi chuyện vẫn đâu vào đó. Lần này, tới lượt ông bầu Nguyễn Đức Kiên của Hà Nội ACB, người vốn kín tiếng trong gần chục năm nay, trừ thời gian đầu mới bước vào làng bóng đá. Giữ đúng lời hứa với các cổ động viên Hà Nội ACB, ông xin đăng đàn tại Lễ tổng kết giải 2011. Và ông thừa hiểu sức lan tỏa của truyền thông, nhất là khi ông làm ở lĩnh vực tài chính - luôn bị tác động bởi các thông tin trên mặt báo, nên ông mới đề nghị lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam (VFF) phải "mở cửa" với báo chí. Và nếu lãnh đạo VFF không chấp nhận, có lẽ ông sẽ không hơi đâu lên bục phát biểu. Đương nhiên, lãnh đạo VFF không thể từ chối yêu cầu chính đáng, hợp lý này và những lời phát biểu của bầu Kiên mới tới với người xem, bạn đọc cả nước. Hiệu ứng những lời phát biểu này như thế nào thì khỏi nói. Nhiều người hả hê, thỏa mãn và đồng ý với những lời thẳng thắn về điểm tối của bóng đá nước nhà. Đó rõ ràng là nỗi đau cho những nhà quản lý bóng đá Việt Nam. Gọi đó là cú điểm huyệt vào mặt trái bóng đá Việt Nam cũng không sai.
Nhưng cú điểm huyệt ấy có khiến những tồn tại của bóng đá Việt Nam ngừng tái diễn hay không lại là chuyện khác. Những người như ông Đoàn Nguyên Đức, Nguyễn Văn Vinh cũng từng nói ra rồi chưa thay đổi được thực tế. Lần này, liệu bầu Kiên có thay đổi được tình hình nếu chỉ có quyền nói và không có quyền quyết như bộ phận quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam? Đúng là ông Nguyễn Đức Kiên đã nói tới cùng thực trạng của bóng đá Việt Nam. Nhưng thực tế vẫn là ông không có quyền quyết định như khi làm chủ doanh nghiệp, vẫn là thành phần tham gia cuộc chơi của môn bóng đá mà ông đã trót đam mê. Điều này được chứng minh khi Báo cáo tổng kết giải từng bị ông Kiên chỉ trích kịch liệt và khẳng định sẽ không thông qua nếu có thẩm quyền xem xét cuối cùng vẫn được BCH LĐBĐ Việt Nam thông qua. Không phải vì ông Kiên chỉ trích nhầm bản báo cáo ấy mà có lẽ không mấy người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam dám dũng cảm đưa ra chính kiến của mình. Và khi đến cái nhỏ nhất là không phản biện đến cùng cái bản báo cáo năm nào cũng trông"quen quen" ấy thì rồi những hào hứng, kỳ vọng của người hâm mộ trong việc cải cách triệt để nền bóng đá đang phát triển quá "nóng" cũng khó đến đích. Khi sự phản biện mất đi thì khó nói đến sự phát triển. Nên nếu có những người dám nói như bầu Kiên và làm như cách bầu Kiên nói thì mới mong bóng đá Việt Nam là món ăn không thể thiếu với người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Có một điểm khiến người ta le lói hy vọng vào sự cầu thị của VFF là lời hứa cùng cơ quan công an vào cuộc, làm rõ "trắng, đen" thông tin mà bầu Kiên đưa ra rằng, có người gạ bầu Long của Hòa Phát Hà Nội 500 triệu đồng để trọng tài thổi có lợi cho đội bóng Thủ đô trong trận cầu "sinh tử" với Đồng Tâm Long An cuối mùa giải qua. Trước đấy, VFF đã thống nhất không bao giờ sử dụng 2 trọng tài Nguyễn Văn Quyết, Trần Công Trọng vì những quyết định thô thiển có lợi cho V.Hải Phòng ở mùa giải 2011. Nhưng đấy là những vụ việc sờ sờ, không làm không được. Ngay cả việc làm rõ "vụ 500 triệu đồng" kia e rằng cũng chẳng tới đâu vì khó kiếm được bằng chứng. Nói ra rồi có lẽ cũng chỉ để đấy. Còn bao nhiêu vấn đề khác bên cạnh vấn đề trọng tài cũng cần được giải quyết rốt ráo chứ không chỉ có mấy vụ việc "vi mô" như thế này. Thế nên, vẫn phải hỏi rằng "rồi sẽ tới đâu?" sau những "cơn sóng" trong làng bóng đá Việt Nam thời gian qua?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.