(HNM) - Nhắc đến thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Châu (xã Phú Châu, huyện Ba Vì), nhiều đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh và người dân địa phương đều bày tỏ sự khâm phục, tin yêu. Trong 40 năm gắn bó với nghề, thầy Nghiệp đã có nhiều sáng kiến, đóng góp tích cực để cải thiện chất lượng giáo dục. Đặc biệt, thầy Nghiệp còn là người làm lan tỏa “tiếng trống học bài” đến tất cả các xã, thị trấn của huyện Ba Vì, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Hiệu lệnh quen thuộc vào mỗi tối
Thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp sinh năm 1961. Tốt nghiệp Trường Sư phạm 10+3B (tỉnh Hà Sơn Bình) năm 1981, thầy Nghiệp về nhận công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Lạc Lương (tỉnh Hà Sơn Bình). Năm 1983, thầy chuyển về giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở Tây Đằng (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội); từ năm 1985 đến năm 1987, thầy Nghiệp đi bộ đội, sau đó quay trở về Trường Phổ thông cơ sở Tây Đằng giảng dạy, rồi được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng. Chia tay Trường Phổ thông cơ sở Tây Đằng vào năm 2008, thầy Nghiệp được điều động làm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Thái (huyện Ba Vì); đến năm 2013 thì nhận công tác tại Trường Trung học cơ sở Phú Châu (huyện Ba Vì) và gắn bó tới nay.
Người dân trên địa bàn xã Phú Châu thường nhắc đến Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Châu Nguyễn Văn Nghiệp - người khởi xướng “tiếng trống học bài” với sự tin yêu, trân trọng nhất.
Nhắc lại ý tưởng này, thầy Nghiệp cho biết: “Thời điểm đó, nhận thấy ý thức học tập của học sinh chưa tốt, sự quan tâm của một bộ phận người dân đối với việc học tập của con em mình còn hạn chế, chất lượng giáo dục của trường ít nhiều bị ảnh hưởng, tôi đã chủ động tham mưu với Đảng ủy xã Phú Châu ban hành Nghị quyết về công tác phát triển giáo dục giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, trong đó có quy chế thực hiện phong trào “Xây dựng xã hội học tập” thông qua “tiếng trống học bài” vào buổi tối tại các cụm dân cư trên địa bàn xã. Tôi cũng đề nghị UBND xã Phú Châu chỉ đạo Đài Truyền thanh xã thu âm lời nhắc của phát thanh viên, với nội dung “Đã đến giờ tự học buổi tối, học tập suốt đời - chìa khóa của mọi thành công. Học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc. Xin mời tất cả chúng ta cùng nhau tự học, cùng nhau tự học”. Kết thúc lời nhắc là một hồi trống...”.
“Tiếng trống học bài” vang lên từ những ngày đầu tiên của năm học 2016-2017, chính thức trở thành hiệu lệnh chung nhắc nhở nhân dân trên địa bàn xã Phú Châu học tập vào mỗi buổi tối. Với mong muốn duy trì ổn định, lâu dài mô hình này, thầy Nghiệp đã tham mưu với UBND xã Phú Châu thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào "Xây dựng xã hội học tập" thông qua “tiếng trống học bài”; bố trí các điểm đánh trống, người đánh trống và phân công người theo dõi việc duy trì “tiếng trống học bài”...
Ông Nguyễn Đức Dinh, phụ huynh em Nguyễn Diệu Linh, học sinh lớp 8A, Trường Trung học cơ sở Phú Châu chia sẻ, hiệu lệnh học bài từ tiếng trống vang lên mỗi buổi tối đã tác động tích cực tới ý thức của mỗi người dân trong việc dành thời gian, sự quan tâm đối với việc học tập của con cái. Sau hồi trống, các gia đình đều tự giác vặn nhỏ thiết bị âm thanh để tạo không gian yên tĩnh cho con trẻ học tập, người lớn thì đọc sách, báo. "Tiếng trống học bài" đã trở thành âm thanh quen thuộc thúc đẩy cá nhân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập.
Thúc đẩy tinh thần học tập
Từ nơi khởi nguồn ở xã Phú Châu, mô hình “tiếng trống học bài” đã lan tỏa, trở thành hiệu lệnh chung của tất cả các xã, thị trấn thuộc huyện Ba Vì, thúc đẩy tinh thần học tập tới học sinh trong nhà trường và mọi tầng lớp nhân dân.
Hiệu ứng từ “tiếng trống học bài” đã tạo nền nếp, ý thức học tập cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu của Trường Trung học cơ sở Phú Châu giảm từ 2,1% xuống còn 0,7%; kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông tăng 5 bậc so với năm học 2019-2020. Với những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục trong năm học 2020-2021, nhà trường đã được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua”.
Em Nguyễn Khánh Ly, học sinh lớp 9C, Trường Trung học cơ sở Phú Châu bày tỏ: “Gần hai năm nay, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn thời gian chúng em học trực tuyến tại nhà, thì tiếng trống mỗi buổi tối nhắc nhở em không lơ là việc học. Đó cũng như lời động viên, khích lệ chúng em thi đua học tập và học tập thường xuyên... Bây giờ, việc tự học vào buổi tối đã trở thành nền nếp của học sinh nhà trường”.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Châu Nguyễn Văn Nghiệp chia sẻ: Điều đáng mừng là không chỉ học sinh, mà cả giáo viên của trường cũng tích cực học tập, bồi dưỡng, trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng. Hiện tại, tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ đại học trở lên đạt 90,3%, tăng 21,3% so với năm 2018. Những nỗ lực này không chỉ góp phần làm nên thành tích của nhà trường, mà còn là tấm gương về tinh thần học tập, ngày càng hoàn thiện bản thân để học trò noi theo.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Bài B (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) Chu Đăng Thiện cho biết, hiệu ứng từ “tiếng trống học bài” ở xã Phú Châu đã lan tỏa tới xã Yên Bài, góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều người dân về việc học tập. Dù ở địa bàn xã miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn, song các gia đình đều cố gắng dành sự quan tâm nhiều hơn cho các con, tạo thuận lợi hơn về không gian, giờ giấc, nhắc nhở con học bài đúng giờ. Theo đó, chất lượng học tập của học sinh tiến bộ rõ rệt qua từng học kỳ. Sự chuyển biến này cũng góp phần thúc đẩy sự chung sức vào cuộc của nhiều lực lượng ở từng thôn, xóm và hiện đã trở thành nền nếp tại địa phương.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, kết quả của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì những năm qua có sự đóng góp của nhiều thế hệ nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, trong đó có thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp. Với 40 năm công tác trong ngành, trong đó có 32 năm là cán bộ quản lý, thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những nơi mà thầy Nghiệp công tác luôn có dấu ấn của một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, điển hình là mô hình "tiếng trống học bài". Cách thức tổ chức của mô hình không hề phức tạp mà rất dễ duy trì.
Đây là mô hình đem lại hiệu quả lớn, góp phần vào việc đẩy mạnh phong trào toàn dân học tập. Với những nỗ lực và đóng góp tích cực trong sự nghiệp “trồng người”, thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” do Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức. Đặc biệt, năm 2021, thầy giáo Nghiệp được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.