Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa những mô hình văn hóa trong cộng đồng

Nguyễn Thanh| 15/04/2023 06:40

(HNM) - Phát hiện, nhân rộng những mô hình văn hóa sáng tạo, hiệu quả là một trong nhiều mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử trên địa bàn Hà Nội. Nhiệm vụ được tổ chức thường niên này nhằm kịp thời động viên, khích lệ những sáng kiến hay, việc làm tốt, góp phần đưa phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đi vào thực chất và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội giám sát việc triển khai thực hiện hệ thống Quy tắc ứng xử tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm).

Đưa phong trào đi vào thực chất

Là một trong những mô hình điểm của công tác xây dựng đời sống văn hóa của quận Thanh Xuân, mô hình “Tổ dân phố 5 không” sau gần 5 năm triển khai đã trở thành minh chứng sinh động nhất cho việc sáng tạo, đưa phong trào đi vào thực chất ở Hà Nội. Theo đó, từ những mô hình điểm đầu tiên tại một số tổ dân phố trong năm 2019, đến nay, “Tổ dân phố 5 không” đã được nhân rộng tại 11/11 phường của Thanh Xuân.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Minh Hồng cho biết: Hệ thống chính trị ở tổ dân phố, khu dân cư đã có nhiều cách làm hay, giải pháp thiết thực, như: Tuyên truyền, vận động từng cá nhân, hộ gia đình; lắp đặt camera an ninh từ nguồn xã hội hóa; tổ chức trực tại các điểm xả rác trộm, phối hợp tuần tra an ninh đêm; duy trì phong trào tổng vệ sinh thứ bảy hằng tuần; bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè… qua đó hình thành, lan tỏa một mô hình văn hóa hiệu quả, là “thương hiệu” riêng của quận.

“Để duy trì nét đẹp văn hóa này, thời gian tới, quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đi kèm biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có cách làm hay; trang bị thêm camera giám sát, hỗ trợ phát hiện, xử lý vi phạm; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung những tiêu chí phù hợp hơn với thực tế cơ sở; triển khai tổng kết mô hình, đề ra giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới…”, bà Ngô Minh Hồng cho hay.

Một ví dụ khác về nỗ lực lan tỏa văn hóa ứng xử là mô hình “Khoanh tay - mỉm cười - cúi chào” ở các trường học trên địa bàn quận Long Biên, dù có thời gian triển khai chưa lâu, song đã và đang trở thành nét đẹp trong môi trường giáo dục tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, từ mô hình thí điểm tại Trường Trung học cơ sở Đô thị Việt Hưng trong năm 2022, quận Long Biên đã đưa “văn hóa chào hỏi” tới tất cả các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn, thông qua các biện pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú, hiệu quả. Cùng với đó, quận chú trọng định hướng, khích lệ, không ép buộc và quan trọng hơn là việc làm gương của các thầy cô với học sinh, học sinh lớp lớn với lớp nhỏ. Từ đó, văn hóa chào hỏi đã trở thành nét đẹp trong các trường học, góp phần bồi đắp thêm giá trị văn hóa cho cả người trao và người nhận. 

Tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ

Xác định triển khai, thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài trong xây dựng, bồi đắp văn hóa người Hà Nội, mới đây, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hai quy tắc ứng xử, đồng thời tích cực phát hiện, nhân rộng những nhân tố mới, mô hình tiêu biểu, góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, chung tay đưa hệ thống quy tắc ứng xử đi vào đời sống, những năm qua, nhiều địa phương đã sáng tạo nên những mô hình văn hóa mới, mang dấu ấn đặc trưng, như: Làng văn hóa kiểu mẫu tại huyện Thanh Oai; liên gia tự quản tại quận Long Biên; “Cầu thang văn hóa”, “Gia đình học tập”… ở quận Cầu Giấy; “Xóa chân rác, tạo vườn hoa” tại quận Hoàn Kiếm; “Phường văn hóa” của quận Tây Hồ, “Đường hoa, tranh bích họa” ở huyện Gia Lâm... Sự lớn mạnh không ngừng của các mô hình cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa ở cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân trong nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

“Việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện quy tắc ứng xử nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, sáng tạo, góp phần đưa những mô hình văn hóa mới vào đời sống”, ông Bùi Minh Hoàng nói.

Để tiếp tục lan tỏa các mô hình mới, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Hương cho rằng, cùng với việc sáng tạo những mô hình mới, ngành Văn hóa Thủ đô cần định hướng, khích lệ các địa phương tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, nhân cấy, lan tỏa những mô hình đã triển khai hiệu quả tại địa phương bạn; tuyên truyền, vận động, phát huy hơn nữa vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ cơ sở, sự vào cuộc chủ động, tích cực của chính quyền và đoàn thể các xã, phường, thị trấn… trong xây dựng đời sống văn hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa những mô hình văn hóa trong cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.