(HNM) - Có lẽ 2015 phải gọi là năm của… sách tô màu. Thái Hà, Nhã Nam đã khởi đầu cho "làn sóng" nhà nhà làm sách tô màu, bán kèm gói sản phẩm sách và bút chì màu… Một trào lưu mới, xu hướng mới làm rộn ràng cả "làng sách", dành cho cả người lớn, trẻ em. Đối với một số đơn vị xuất bản, sách tô màu thậm chí còn đem lại nguồn thu lớn, chính.
Nhưng đến nay thì sách tô màu đang chững lại. Thậm chí có đơn vị trót đầu tư vài nghìn bản/một tựa sách đang phải chấp nhận… tồn kho. Vì sao? Văn hóa Việt không giống văn hóa phương Tây, thong dong hưởng thụ thú tô màu. Cũng có lý giải khác là sách tô màu khởi phát rồi được ưa chuộng ở Châu Âu bởi châu lục này có tỷ lệ không nhỏ người sống đơn thân, nhất là tuổi từ trung niên trở lên. Với cuộc sống tương đối ổn định, tĩnh lặng thì tô màu để giải trí, thể dục đầu óc chứ không phải chạy theo một trào lưu, một thứ mốt.
Tranh thủ thời cơ để khai thác phát hành, chọn đúng "điểm rơi" là một kỹ năng sống còn của làm sách thời kinh tế thị trường. Song thấy người khác bán được là đua nhau vào cuộc mà không điều tra nhu cầu thị trường kỹ lưỡng đã đẩy nhiều đơn vị vào bị động. Để cạnh tranh, đòi hỏi mỗi đơn vị phải có cách làm, con đường riêng, phát huy thế mạnh riêng để không bị "thổi bay" khỏi "đường đua". Đại diện một công ty sách và truyền thông nhỏ cho biết, khi phát hiện chiến lược phát triển sản phẩm của đơn vị trùng với một NXB lớn, đã lập tức điều chỉnh hướng đi thay vì cứ cố cạnh tranh với "người khổng lồ". Họ chuyên đầu tư vào tác giả nổi tiếng thì mình tập trung cho tác giả trẻ, tác giả mới. Nhà sách này phát triển mạnh sách về kỹ năng sống, giáo dục thì nhà sách khác chọn sách khoa học, hoặc đầu tư vào tác phẩm cho nữ giới…
Mùa vụ cũng có cái hay, nhưng muốn đi xa thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng, có cách làm riêng, dài hơi. "Làn sóng" sách tô màu chính là một bài học kinh nghiệm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.