Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làn sóng người di cư đến Mỹ tăng mạnh: Đòi hỏi các chính sách toàn diện

Quỳnh Dương| 12/05/2023 06:57

(HNM) - Sau thời gian tạm lắng vì đại dịch Covid-19 bùng phát, vấn đề người di cư lại trở thành đề tài cấp bách đối với chính quyền Mỹ khi Điều khoản 42 sẽ hết hiệu lực vào đêm 11-5 (giờ địa phương, tức ngày 12-5 giờ Việt Nam). Trong bối cảnh dòng người đi đến biên giới trên bộ của Mỹ ngày càng tăng, các quan chức nước này ước tính, trong 90 ngày tới, lượng người di cư vào xứ Cờ hoa có thể lên tới khoảng 1 triệu người. Để ứng phó, đòi hỏi phải có các chính sách toàn diện và sự phối hợp của các quốc gia liên quan.

Số lượng người di cư đổ về biên giới Mỹ - Mexico tăng mạnh trong thời gian qua.

Điều khoản 42 là chính sách hạn chế nhập cư qua biên giới trên bộ giữa Mỹ và Mexico, được áp dụng từ tháng 3-2020, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Điều khoản này cho phép lực lượng an ninh biên giới Mỹ từ chối người di cư nhập cảnh để xin tị nạn vì lý do dịch bệnh. Do đó, việc điều khoản hết hiệu lực được dự báo sẽ dẫn tới làn sóng người di cư từ nhiều nơi tìm cách vượt biên giới Mexico sang Mỹ. Các thành phố ở bang Texas gồm El Paso, Brownsville và Laredo mới ban bố tình trạng khẩn cấp khi ghi nhận hàng nghìn người di cư, chủ yếu là từ Mỹ Latinh, đã đến vùng biên giới.

Thống kê mới nhất cho thấy, chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, 8.600 người di cư bất hợp pháp đã bị lực lượng tuần tra biên giới Mỹ bắt giữ. Càng sát thời điểm Điều khoản 42 hết hiệu lực, số lượng người đổ đến biên giới Mỹ càng gia tăng mạnh. Ngày 10-5, số người bị bắt giữ lên tới 10.000.

Để chuẩn bị ứng phó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã huy động 1.500 binh lính bổ sung cho các nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Từ 250 đến 300 đặc vụ điều tra của Cơ quan Thực thi Luật Nhập cư và hải quan (ICE) và 180 cảnh sát thuộc Hội đồng Cảnh sát Hàng không quốc gia cũng được triển khai cho nhiệm vụ này. Trong khi đó, Thống đốc bang Texas Gregg Abbot đã chỉ đạo huy động hàng trăm binh lính thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia tăng cường tới khu vực biên giới với Mexico. Các thị trấn dọc đường biên giới kéo dài 3.100km giữa Mỹ và Mexico cũng chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với tình huống mỗi ngày có hàng nghìn người di cư tìm cách vượt biên.

Nhiều nguồn tin từ Mỹ cho biết, Điều khoản 42 sẽ được thay thế bằng một quy định mới mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden gọi là “những con đường nhập cư hợp pháp”, cho phép người xin tị nạn nhập cư nếu đáp ứng một số yêu cầu, nhưng cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với những người di cư bất hợp pháp. Theo quy định mới, những người muốn nhập cư qua biên giới Mỹ - Mexico phải đăng ký trực tuyến trước. Trong thời gian chờ đợi xét duyệt (khoảng 30 ngày), người xin nhập cư sẽ bị giám sát chặt chẽ bằng một vòng đeo có gắn thiết bị theo dõi. Mỹ cũng có kế hoạch mở thêm 100 trung tâm để xử lý các vấn đề di cư.

Theo Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) Alejandro Mayorkas, Luật Nhập cư hiện tại đã có nhiều điểm lỗi thời, không thể giải quyết hết những rắc rối của vấn đề. Ông cũng kêu gọi các nghị sĩ quốc hội nhanh chóng sửa đổi để lấp những lỗ hổng luật pháp về nhập cư khi nguy cơ khủng hoảng đang đến gần.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng Mỹ, trong năm tài khóa 2022, số người di cư bất hợp pháp bị lực lượng an ninh biên giới Mỹ bắt giữ tăng lên mức kỷ lục là 2,2 triệu người. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2023 khi hầu hết các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 bị dỡ bỏ. Rõ ràng, giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng di cư không chỉ phụ thuộc vào việc xây tường rào bảo vệ mà phải có các chính sách toàn diện và sự phối hợp của các quốc gia liên quan. Đây cũng là một thách thức đối với ông Joe Biden trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo đang đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làn sóng người di cư đến Mỹ tăng mạnh: Đòi hỏi các chính sách toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.