(HNM) - Mỹ Latinh đã khép lại năm 2009 với những thành công trong các cuộc tổng tuyển cử đa phần thuộc về phe cánh tả. Điển hình là chiến thắng của đương kim Tổng thống Bôlivia Êvô Môralết khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai với trên 60% phiếu bầu.
Nếu Mỹ lần đầu tiên có một vị tổng thống là người da màu thì Bôlivia cũng lần đầu tiên có một tổng thống là thổ dân. Đặc biệt hơn cả, cùng với chiến thắng của ông Môralết, 12 cuộc bầu cử diễn ra trong khu vực Nam Mỹ, phần lớn phe cánh tả (hay nói chính xác hơn là trung tả) giành thắng lợi trong năm vừa qua đã chứng minh rằng, đảng cánh tả tại Mỹ Latinh đã thể hiện khả năng chèo lái đất nước vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu để ổn định xã hội, duy trì tăng trưởng và cải thiện đời sống của tầng lớp người nghèo.
Cà phê Braxin, nông sản xuất khẩu chủ lực của Mỹ Latinh dự kiến vẫn đứng hàng đầu thế giới trong năm 2010. |
Những năm gần đây, cao trào đấu tranh hướng tới "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" của nhân dân lục địa châu Mỹ Latinh là nhằm giải quyết vấn đề dân tộc, dân quyền, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Được sự ủng hộ mạnh mẽ của quảng đại quần chúng thông qua lá phiếu bầu cử tổng thống, nhiều nhân vật nổi tiếng của phong trào cánh tả đã bước lên vũ đài chính trị. Sức sống của cánh tả tại Mỹ Latinh còn được thể hiện trong Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bôlivia dành cho châu Mỹ (ALBA) - liên minh chính trị, kinh tế và xã hội của khu vực Mỹ Latinh và Caribê - bế mạc ngày 14-12 vừa qua, trong đó khẳng định ALBA luôn hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, phân chia lại của cải, đề cao phát triển, đánh giá cao sự tham gia của người dân và xóa bỏ tình trạng người dân bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.
Có hai nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tương quan tại Mỹ Latinh. Thứ nhất, vị thế kinh tế - chính trị của Mỹ đã suy giảm. Thứ hai, nhiều nước Mỹ Latinh đã tự chủ hơn và khẳng định sự tự lập về ngoại giao. Một khi đã ổn định được nền kinh tế và đạt được những thành quả nhất định trong việc xây dựng thể chế dân chủ, các nước này muốn giảm dần sự lệ thuộc vào Mỹ. Hơn nữa, phong trào cánh tả đang phát triển mạnh trong khu vực và chính phủ các nước này muốn tìm kiếm những đồng minh mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nam Phi nhằm thay đổi trật tự kinh tế thế giới. Khu vực "sân sau" của Mỹ mà nhiều thập kỷ qua Oasinhtơn tha hồ khai thác tài nguyên với giá rẻ và dễ dàng lật đổ những chính phủ "trái ý" nay không còn nữa. Trên một không gian rộng lớn đang hiện dần đường nét của một liên minh chính trị mới khiến Mỹ khó có thể áp đặt như trước.
Tuy nhiên bên cạnh những "điểm sáng" khi đề cập đến cánh tả ở Mỹ Latinh trong năm 2009, người ta không thể "bỏ qua" cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ ở Ônđurát. Ở đó, một vị tổng thống cánh tả hợp hiến đã bất ngờ bị đảo chính rồi bị phế truất và không còn cơ hội trở lại chính trường, bất chấp ông được dư luận tiến bộ trong khu vực cũng như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ủng hộ. Ngoài ra, tập hợp các chính quyền cánh tả Mỹ Latinh cũng chưa hội tụ đủ sức mạnh để có thể khiến Mỹ dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận hà khắc kéo dài chống
Bên cạnh đó, năm 2009 thế giới trong đó có Mỹ Latinh đã thoát khỏi đáy khủng hoảng và đang lấy lại đà tăng trưởng. Các nước trong khu vực đã nhanh chóng phục hồi kinh tế nhờ vào việc cải thiện các yếu tố kinh tế vĩ mô và sự trỗi dậy khá mạnh mẽ của thị trường nội địa thông qua các gói kích cầu của Chính phủ. Mặc dù năm 2009, Mỹ Latinhcó mức suy giảm khoảng 1,6%, nhưng GDP của khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2010, thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2008.
Cũng như một số khu vực đang phát triển trên thế giới, bước vào năm 2010 một số thách thức mà Mỹ Latinh phải đương đầu đã được nhận diện. Đó là phải bảo đảm sự tăng trưởng vững chắc không chỉ thông qua việc củng cố sự tham gia của khu vực tư nhân mà còn phải thực thi tiếp các biện pháp kích thích phát triển đúng hướng để bảo đảm một sự tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, các yếu tố bảo đảm phát triển lâu bền như: tiết kiệm, cải thiện năng suất lao động và môi trường đầu tư cũng như thay đổi công nghệ thông qua các cải cách về cơ cấu cũng là những vấn đề Mỹ Latinh phải đối mặt. Ngoài ra, trong những ngày đầu năm mới, mối đe dọa về biến động tài chính với nửa phía
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.