Thế giới

Lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu vượt giới hạn 1,5 độ C trong 12 tháng

Kim Phượng 08/02/2024 - 15:25

Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 8-2 công bố báo cáo cho thấy Trái đất đã phải chịu đựng 12 tháng nhiệt độ nóng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bão, hạn hán và hỏa hoạn đã tàn phá hành tinh khi biến đổi khí hậu, được thúc đẩy bởi El Nino, gây ra hiện tượng nóng lên kỷ lục vào năm 2023, khiến Trái đất có thể trở thành nơi nóng nhất trong 100.000 năm.

Theo Copernicus, các hiện tượng cực đoan tiếp tục kéo dài đến năm 2024, đồng thời xác nhận rằng từ tháng 2-2023 đến tháng 1-2024 đã ghi nhận ​​sự nóng lên 1,52 độ C so với mức chuẩn của thế kỷ XIX.

Các nhà khoa học cho biết đây là dấu hiệu báo trước nghiêm trọng về ngưỡng nóng lên 1,5 độ C của thỏa thuận khí hậu Paris.

Johan Rockstrom, thuộc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, cho biết: “Mức 1,5 độ C là một con số rất lớn và có thể gây thiệt hại nặng nề cho chúng ta khi các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, bão tăng cường, khan hiếm nước diễn ra thường xuyên hơn trên toàn thế giới".

Những tháng gần đây trên toàn cầu đã chứng kiến ​​sự tấn công dữ dội của các hiện tượng cực đoan, bao gồm hạn hán tàn khốc đang hoành hành ở lưu vực sông Amazon, nhiệt độ mùa đông ngột ngạt ở các vùng phía Nam châu Âu, cháy rừng gây thiệt hại về người ở Nam Mỹ và lượng mưa kỷ lục ở California (Mỹ).

Rockstrom nói với AFP: “Đây rõ ràng là một lời cảnh báo cho nhân loại rằng chúng ta đang tiến nhanh hơn dự kiến ​​tới giới hạn 1,5 độ C mà chúng ta đã ký kết”, đồng thời dự báo nhiệt độ có thể sẽ giảm trở lại phần nào sau khi hiện tượng El Nino kết thúc.

Copernicus cho biết tháng 1-2024 nóng kỷ lục - là tháng thứ tám liên tiếp có nhiệt độ hằng tháng cao trong lịch sử. Nhiệt độ tổng thể thời điểm này cao hơn 1,66 độ C so với ước tính mức trung bình tháng 1 trong giai đoạn 1850-1900.

Joeri Rogelj, Giáo sư khoa học và chính sách khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, nói với AFP : “Những năm nắng nóng liên tiếp là tin xấu đối với cả thiên nhiên và con người đang chịu tác động của những năm cực đoan này. Trừ khi lượng khí thải toàn cầu được khẩn trương giảm xuống 0, thế giới sẽ sớm vượt quá giới hạn an toàn được đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris.”

Và trong khi nhiều nơi trên thế giới trải qua tháng 1 ẩm ướt bất thường, thì các vùng Bắc Mỹ, vùng Sừng châu Phi và Bán đảo Ả rập lại chứng kiến ​​điều kiện khô hạn hơn. Chile, quốc gia đang phải vật lộn với đợt nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt vào mùa hè, điều kiện khô hạn đã góp phần gây ra cháy rừng. Những tình trạng đó vẫn tiếp tục diễn ra vào tháng 2, với các đám cháy bắt đầu cuối tuần qua ở các khu dân cư thuộc vùng ven biển Valparaiso khiến hơn 130 người thiệt mạng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu vượt giới hạn 1,5 độ C trong 12 tháng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.