(HNM) - Hơn một tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII. Các tầng lớp nhân dân kỳ vọng đại hội sẽ mang lại những đổi mới căn bản, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước trong tình hình mới.
Đại đoàn kết toàn dân tộc
Dự thảo báo cáo của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam khóa VII trình Đại hội VIII và Dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam (sửa đổi) đã được lấy ý kiến dân chủ rộng rãi tại Đại hội MTTQ các cấp vừa qua, thu hút sự chú ý của các tầng lớp nhân dân, cán bộ mặt trận. Nhiều lần trực tiếp dự các cuộc tiếp thu ý kiến, hiệu chỉnh văn kiện trình Đại hội VIII MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cho rằng, sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc đã và đang đặt ra cho những người làm công tác Mặt trận những nhiệm vụ mới với trọng trách và thách thức lớn lao. Đồng tình với nhận định của ông Kim, nhiều cán bộ mặt trận khẳng định, đây là một bước ngoặt đòi hỏi Mặt trận phải nâng cao đoàn kết để đối phó với thách thức mới về độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhờ đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Ảnh: Trọng Đạt |
Nhiều năm gắn bó với công tác Mặt trận, GS Trần Hậu (Hội đồng Tư vấn về kinh tế của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, trong mọi thời điểm, đại đoàn kết toàn dân luôn là sự nghiệp sống còn của Mặt trận. Trong hoàn cảnh hiện nay, tại Đại hội VIII, MTTQ Việt Nam cần giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận trong tình hình mới. Ông Hậu đề nghị, Mặt trận nên công bố một chương trình hành động về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Đây là một yêu cầu mà hơn 90 triệu đồng bào hướng về đại hội để nghe lời kêu gọi của Mặt trận, để Việt Nam phát triển độc lập và tự chủ.
Để thực hiện chiến lược đại đoàn kết, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo (Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam) Lù Văn Que cho rằng, Mặt trận cần nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước xem xét, bổ sung chính sách Mặt trận trong tình hình mới cho phù hợp hơn. Sau mấy chục năm, các giai tầng đã phân hóa mạnh mẽ, cần có sự đổi mới trong chính sách tập hợp, đoàn kết thì đoàn kết mới bền vững. Nhất là ở một số vùng, khoảng cách giàu nghèo rõ rệt, sự xa rời của cán bộ với nhân dân, rất cần cơ chế, chính sách giải quyết hài hòa lợi ích thì mới thực hiện vấn đề đoàn kết toàn dân.
Bảo vệ quyền lợi của nhân dân
Mục tiêu Đại hội VIII hướng tới là nâng cao vai trò và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, tích cực xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. MTTQ phải tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh vì nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Bộ Chính trị ban hành Quy định 217, 218 cụ thể hóa quy định của Hiến pháp. Đây chính là điểm nhấn của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Về chức năng này, nhiều chuyên gia cho rằng, Mặt trận cần có cơ chế lắng nghe dân nói và nói cho dân nghe, phản ánh chính xác cho Đảng, Nhà nước; thực hiện tốt chức năng phản biện các chính sách chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội; góp phần xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh, làm cho dân tin và nghe theo Đảng. Không những thế, Mặt trận phải tạo cơ chế để Đảng, Nhà nước cùng lắng nghe và giám sát việc này. Để hoàn thành nhiệm vụ, Mặt trận cần phải tăng cường nguồn nhân lực và năng lực thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Nhiều người dân bày tỏ lo ngại, nếu cơ cấu như hiện tại thì Mặt trận rất khó thực hiện giám sát, phản biện, vì việc gì cũng đến tay mà nguồn lực không có đủ. Vì thế, Mặt trận cần tập hợp các chuyên gia ở tuổi nghỉ hưu, tận dụng nguồn lực này để nâng cao khả năng thực hiện phản biện chính sách, nhất là trong điều kiện Chính phủ đã ban hành nghị định về trọng dụng, kéo dài thời gian cống hiến của cán bộ khoa học ưu tú. Mặt trận cần đánh giá chính xác sự hài lòng của người dân. Điều này sẽ giúp mặt trận trở thành cầu nối tạo sự ổn định cho xã hội phát triển.
Thực tế hiện nay tại cơ sở, hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã có nhiều chuyển biến và bước đầu hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở vẫn còn những vướng mắc, thậm chí không đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Mặt trận cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc, nâng cao năng lực, góp phần thúc đẩy việc chống tham nhũng từ cơ sở, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng Mặt trận nghiên cứu, xây dựng chương trình giám sát xóa đói, giảm nghèo, đổi mới chính sách đoàn kết, tổ chức cuộc vận động "Toàn dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân"… Đây là cơ sở để MTTQ Việt Nam hoàn thành trọng trách trước Đảng và nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.