Chính trị

Làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân (*)

HNMO 21/09/2023 - 11:33

Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến có bài phát biểu quan trọng, Báo Hànộimới điện tử trân trọng giới thiệu trích đăng:

phobt.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại đại hội. Ảnh: Viết Thành

…Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang kéo dài giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn... Song, với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực, cố gắng, toàn Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân Thủ đô đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Trung ương; chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố và đạt nhiều kết quả quan trọng:

Kinh tế Thủ đô dần phục hồi và tăng trưởng khá, năm sau tăng hơn năm trước, tăng hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. GRDP năm 2021 tăng 2,92% (cả nước tăng 2,58%); GRDP năm 2022 tăng 8,89% (cả nước tăng 8,02%); GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,97% so cùng kỳ (cả nước tăng 3,72%). Quy mô GRDP của Hà Nội năm 2022 theo giá hiện hành đạt 1.196 nghìn tỷ đồng (khoảng 50 tỷ đô la Mỹ, so với cả nước là 409 tỷ đô la Mỹ).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng dần, phù hợp yêu cầu phát triển bền vững (năm 2021 dịch vụ chiếm 62,46%, năm 2022 đạt 63,22% và 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 65,78%). GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng, tăng 10,6% so với năm 2021.

Cân đối thu - chi ngân sách nhà nước được bảo đảm: Thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt 12,3% so với dự toán; thu ngân sách nhà nước năm 2022 vượt 6,5% so với dự toán; tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 290 nghìn tỷ đồng, bằng 82,2% dự toán, tăng 25,4% so với cùng kỳ (trong đó thu nội địa đạt 272,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 93,9%). Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác đều có chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.

An sinh xã hội được bảo đảm, các giá trị văn hóa được phát huy, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm tiến độ triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, thành phố; đặc biệt, đã khởi công xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chỉ sau 1 năm Quốc hội thông qua chủ trương theo Nghị quyết 56/2022/QH15…

Đến nay, toàn thành phố có 149 chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 2.167 sản phẩm OCOP, trong đó có gần 2.000 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (đứng đầu cả nước); 100% số xã (382/382 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố xuất hiện ngày càng nhiều làng quê, vùng quê khang trang, hiện đại, sáng - xanh- sạch - đẹp. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân và Hội Nông dân ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò chủ thể phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được Thành ủy và các cấp ủy Đảng tập trung thực hiện với quyết tâm cao, cách làm bài bản, khoa học, đúng nguyên tắc, đạt kết quả toàn diện và nổi bật. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Những thành tựu to lớn đó có được là nhờ sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, trong đó có đóng góp quan trọng của nông dân Thủ đô, của tổ chức Hội Nông dân thành phố. Điều này được minh chứng rõ nét qua công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân thành phố Hà Nội hiện có 466.403 cán bộ, hội viên nông dân, sinh hoạt tại hơn 2.500 chi Hội, thuộc 406 cơ sở Hội và 18/18 huyện, thị xã; là đơn vị có số hội viên và cơ sở Hội lớn thứ 3 cả nước (chỉ sau tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An).

Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 hôm nay là sự kiện chính trị quan trọng của các cấp Hội Nông dân thành phố và hội viên nông dân Thủ đô. Chúng ta vui mừng phấn khởi khi nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân từ thành phố đến cơ sở đã đổi mới, sáng tạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm trong công tác Hội và phong trào nông dân; tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của thành phố; bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả 10 chương trình công tác mà trọng tâm là Chương trình số 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra.

Công tác xây dựng Hội tiếp tục được củng cố và nâng cao chất lượng; động viên cán bộ, hội viên, nông dân khắc phục mọi khó khăn, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hăng hái lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, các cấp hội, hội viên, nông dân Thủ đô đã thể hiện sức mạnh đoàn kết, bản lĩnh kiên cường, quyết tâm cùng thành phố tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả. Vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức Hội được khẳng định và nâng cao; quyền lợi của hội viên được bảo đảm, hội viên ngày càng tin tưởng gắn bó với tổ chức Hội.

Công tác Hội và phong trào nông dân Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần nông dân được nâng cao, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đến nay đã xây dựng được 156 chi hội nghề nghiệp, hơn 2.300 tổ hội nghề nghiệp, có 1,3 triệu lượt hội viên đăng ký tham gia các phong trào thi đua. Tỷ lệ hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp bình quân đạt gần 67% so với số hộ hội viên đăng ký; trực tiếp và phối hợp giúp đỡ gần 15.000 hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 38 triệu đồng/người/năm (2018) lên 56,3 triệu đồng (năm 2022). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 2,57% (năm 2018) xuống còn 0,17% (năm 2023) theo chuẩn nghèo giai đoạn 2023-2025. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Nông nghiệp Thủ đô duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân hằng năm tăng 3,03%, đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (2,5-3%/năm). Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế năm 2022 đạt 92,5%. Hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được quan tâm, dần đi vào hiệu quả; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 170 triệu đồng/ha (năm 2023), gấp 1,34 lần so với năm 2018.

Phát huy truyền thống lao động sáng tạo của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Thủ đô, với những kết quả đã đạt được, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các danh hiệu thi đua của Hội Nông dân Việt Nam cùng nhiều khen thưởng của thành phố.

phobt1.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại đại hội. Ảnh: Viết Thành

Bên cạnh những kết quả tích cực, dự thảo Báo cáo chính trị của đại hội đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua của công tác Hội và phong trào nông dân thành phố.

Để khắc phục hạn chế cần giải pháp hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân, nâng cao vị thế của tổ chức Hội và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, tôi cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, được thể hiện cô đọng trong chủ đề đại hội và cũng là quyết tâm của cán bộ, hội viên, nông dân thành phố trong nhiệm kỳ mới. Tôi đề nghị đại hội nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam để đưa vào Chương trình hành động nhiệm kỳ 2023-2028, đồng thời đề nghị các đồng chí quan tâm một số nhiệm vụ sau:

Một là, tổ chức Hội phải khẳng định vị thế trong xã hội và trong lòng người dân; làm tốt vai trò là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước và thành phố với nông dân, xây dựng các cấp Hội thật sự vững mạnh. Cùng với việc đổi mới phương pháp và phong cách làm việc, đội ngũ cán bộ Hội cần sâu sát, nhiệt tình, hiểu biết sâu sắc về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân, phải thực sự đồng hành với nông dân Thủ đô; làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Hai là, Hội Nông dân các cấp cần phát huy vai trò nòng cốt chính trị, tập trung quán triệt, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; quán triệt, tuyên truyền sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trọng tâm là các chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII) như: Chương trình số 04, Chương trình 06 và Chương trình 08 gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác Hội trong tình hình mới.

Trong đó, các cấp Hội cần tích cực, chủ động, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu; kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả trên các mặt công tác của tổ chức; nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô, đã được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là: “Xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển”.

Ba là, đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả hơn nữa các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong hội viên nông dân, đặc biệt phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững... Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hội viên, nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới để mỗi người dân nông thôn thấy được mình là chủ thể, được tham gia bàn bạc dân chủ, quản lý, giám sát thi công các dự án xây dựng nông thôn mới của địa phương. Quan tâm chú trọng vận động nông dân tích cực bảo vệ môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn; tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, tự giác giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, giữ vững sự bình yên cho nông thôn ngay từ cơ sở. Tiếp tục tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội cũng như đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh; tổ chức cho nông dân tham gia góp ý vào hệ thống pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân; thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò, quyền làm chủ của người dân. Tăng cường bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ, hội viên ưu tú cho cấp ủy xem xét, kết nạp vào Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, Hội Nông dân thành phố cần tăng cường hợp tác để học hỏi kinh nghiệm, chủ động nắm bắt và ứng dụng tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương, tạo nên chuỗi giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Thủ đô; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả hoạt động của “Quỹ hỗ trợ nông dân”, tăng cường các nguồn vốn ưu đãi cho nông dân, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp...

(*) Đầu đề do Báo Hànộimới đặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.