(HNM) - Phần lớn hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam hiện nay có trình độ chuyên môn tốt, nhưng vẫn còn những người chưa đủ tâm và tài, làm ảnh hưởng đến sự thưởng ngoạn của du khách. Đáng nói đây lại là khâu quyết định tới 70% chất lượng dịch vụ du lịch.
Hướng dẫn khách du lịch tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thái Hiền |
Trách nhiệm của người truyền thông điệp
Trong hoạt động du lịch, hướng dẫn viên là một trong những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Theo ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, dù sản phẩm có được thiết kế hấp dẫn, lịch trình tốt, chất lượng cơ sở lưu trú bảo đảm, giá cả hợp lý đến đâu nhưng hướng dẫn viên không chăm sóc khách chu đáo, thuyết minh kém thì coi như sản phẩm đó thất bại. “70% chất lượng dịch vụ du lịch là do hướng dẫn viên quyết định”, ông Bùi Văn Dũng khẳng định.
Hướng dẫn viên chính là người đưa đón khách và truyền thông điệp về giá trị thiên nhiên, tinh hoa văn hóa đến với du khách. Với khách quốc tế, hướng dẫn viên là người đem lại ấn tượng đầu tiên và sau cùng trong mỗi hành trình trải nghiệm. Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có hơn 20.000 hướng dẫn viên du lịch, trong đó, Hà Nội là nơi có lực lượng đông đảo nhất - khoảng 6.000 người. Theo ông Bùi Văn Dũng, đa số hướng dẫn viên có trình độ, trách nhiệm và thực hiện đúng điều khoản quy định cũng như cam kết với doanh nghiệp lữ hành. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp hoạt động thiếu chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và hình ảnh du lịch Việt Nam.
Chính vì khó kiểm soát như vậy mà Luật Du lịch 2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, đã dành hẳn Chương IV với 9 điều quy định về hướng dẫn viên du lịch. Đặc biệt, Mục 3, Điều 58 quy định hướng dẫn viên du lịch phải hội đủ 3 điều kiện thì mới được hành nghề: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch hay có sự phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch.
Trước đây, hướng dẫn viên chỉ cần có thẻ là được hành nghề. Họ hoạt động khá tự do, không chịu nhiều ràng buộc trách nhiệm. Nhưng nay, với sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các hội, hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, chắc chắn hoạt động này phải quy củ hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, trên một số diễn đàn và mạng xã hội “nóng” lên những cuộc tranh luận, lo ngại về những điều khoản trên sẽ “ép” hướng dẫn viên tự do vào các tổ chức hội nghề nghiệp để huy động kinh phí… Liệu suy nghĩ này có chính xác?
Vì mục tiêu nâng cao chất lượng
Là một hướng dẫn viên du lịch tự do ở Hà Nội, anh Mai Đức Thuận tỏ ra khá băn khoăn về những quy định mới của Luật Du lịch 2017. “Luật đã có hiệu lực nhưng một số điều khoản chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về hướng dẫn viên. Ai cũng muốn được làm nghề thuận lợi, nhưng hiện có quá nhiều luồng dư luận nên chúng tôi không tránh khỏi hoang mang, chưa biết nên tham gia như thế nào”, anh Mai Đức Thuận nói.
Khác với sự băn khoăn nói trên, anh Nguyễn Hồng Nguyên - hướng dẫn viên có hợp đồng chính thức với Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, theo Luật Du lịch, anh không cần vào tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Nhưng Nguyễn Hồng Nguyên vẫn quyết định gia nhập Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Hà Nội.
Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Hà Nội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hiệp hội Du lịch Hà Nội, tập hợp hướng dẫn viên để hợp tác, hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống. Theo ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch lâm thời Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Hà Nội, chưa cần nói đến quy định của Luật Du lịch, việc thành lập một tổ chức xã hội nghề nghiệp cho lực lượng quan trọng này là cần thiết để phát triển du lịch Thủ đô. Thành viên của Chi hội là những người giỏi nghề, có uy tín và họ sẽ được bảo đảm hoạt động nghiêm túc, không lẫn lộn với hướng dẫn viên “bát nháo”, kém chất lượng. Với việc có 20 doanh nghiệp lữ hành đã ký kết thỏa thuận ưu tiên sử dụng hướng dẫn viên là thành viên của Chi hội và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia, các thành viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Nguồn cung ứng hướng dẫn viên đạt chuẩn này sẽ góp phần truyền tải đúng hình ảnh du lịch Thủ đô an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn.
Trước đó, vào tháng 11-2017, Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam được thành lập. Theo ông Bùi Văn Dũng, Hội đã làm việc với các công ty viễn thông để thiết lập hệ thống phần mềm hỗ trợ thành viên về chính sách, pháp luật trong du lịch và cung cấp thông tin mà hướng dẫn viên cần trong quá trình hành nghề (về giao thông, thời tiết, phong tục, tập quán, điểm đến…). Định kỳ, Hội sẽ tổ chức lớp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức cho thành viên. Bên cạnh đó, Hội có tham vọng thành lập một sàn giao dịch việc làm để tạo cơ hội gặp gỡ cho doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên, đáp ứng nhu cầu của cả hai phía, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch.
Đó là những chuyển động cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên nói riêng và chất lượng du lịch Việt Nam nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.