(HNM) - Sinh ra trong một gia đình 6 đời nghề Đông y, được truyền dạy nhiều bài thuốc hay, tấm lòng
Truyền thống bốc thuốc cứu người
Từ lâu, lương y Đặng Thị Lâm (phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được nhiều người gọi là "Người thầy thuốc của bệnh nhân nghèo". Nối tiếp truyền thống 6 đời chữa bệnh cứu người của gia đình, vị lương y có nụ cười luôn rạng ngời trên gương mặt phúc hậu này cùng chuỗi phòng khám của gia đình mỗi năm tư vấn, khám và chữa bệnh miễn phí cho khoảng trên 2.500 bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Lương y Đặng Thị Lâm. |
Lương y Đặng Thị Lâm cho biết, tôn chỉ của gia đình là chữa bệnh cứu người, giúp đời nên các thành viên đều phải tuân thủ di huấn đó. "Bố tôi là thầy thuốc Đặng Văn Đức, cũng dành cả đời mình, nghiên cứu thuốc Nam để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông luôn nói làm thầy thuốc mục đích lớn nhất là cứu người. Ông là tấm gương lớn nhất và cũng là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời của tôi" - bà Lâm trải lòng. Hiện nay, bốn người con của bà tiếp tục theo ngành Y và bà tiếp tục nhắc nhở các con lời dạy về đạo làm nghề của cha ông.
Nhấp ngụm trà thuốc, theo dòng hồi tưởng, trở lại ngày tháng thơ bé đắm mình trong hương vị thuốc Nam thơm nồng và căn nhà tấp nập người ra vào khám bệnh. Sinh năm 1954, ngay từ khi biết đọc, bà tỏ ra ham mê lạ thường với những quyển sách thuốc. Nhận ra thiên hướng của con gái, khi lên 10 tuổi bà đã được cha cho theo lên núi đi tìm lá thuốc và "vỡ lòng" về y học. Thấy con gái thích thú, hào hứng và tiếp thu nhanh, cha bà tỏ ra vừa ý và trong bảy anh chị em, bà là người được bố tâm huyết truyền thụ, nhất là những bí quyết, bài thuốc hay của người dân tộc Sán Dìu được ông tổ Đặng Văn Ngũ truyền lại nhiều đời trước.
Cứ như vậy, sau giờ học ở trường bà lại theo cha lên núi hái thuốc, phụ giúp chữa trị cho bệnh nhân với niềm đam mê kỳ lạ. Ngoài kiến thức được học từ ông nội và cha, bà còn theo học khóa I hệ đào tạo của Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên trong ba năm. Sau khi tốt nghiệp bà lại về Hà Nội theo học các lớp nâng cao nghiệp vụ xoa bóp, bấm huyệt rồi theo học khóa đào tạo lương y đa khoa của Đại học Thái Nguyên. Kiến thức sách vở và thực tế đều vững, lý thuyết, thực hành đều thông, trong quá trình chữa bệnh, bà lại tiếp tục tìm tòi và phát triển thêm nhiều bài thuốc mới.
Hiện nay, ngoài thời gian khám bệnh, bà Đặng Thị Lâm còn tập trung phát triển vườn cây thuốc Nam trên Thái Nguyên với nhiều vị thuốc quý, bảo đảm được nguồn cung nguyên liệu sạch, an toàn. Chữa được nhiều loại bệnh khó, nhưng thế mạnh của bà là các bệnh về gan... Bà Lâm cho biết, bài thuốc chữa gan bí truyền đó bao gồm cây cà gai leo, diệp hạ ninh, bồ công anh... và một số vị, ai hỏi bà cũng cho biết cụ thể và hướng dẫn cách sử dụng, tỷ lệ, thành phần. "Nhưng không phải thầy thuốc nào có bài thuốc đó chữa cũng khỏi cho bệnh nhân đâu. Thuốc phải lấy ở từng thời điểm nhất định, cách chế biến cũng khác và người bệnh cũng phải tuyệt đối tuân thủ thì mới khỏi được bệnh" - bà Lâm nói.
Ân nhân của những người nghèo
Lương y Đặng Thị Lâm đã gặp nhiều trường hợp mà y học hiện đại bó tay, các bệnh viện lớn trả về nhưng nhờ sự chạy chữa của bà, bệnh nhân đã có nhiều tiến triển. Bà chữa trị nhiều chứng bệnh như xơ gan cổ trướng, gan, máu nhiễm mỡ, sỏi thận, tiểu đường, thống phong, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ho hen, tai biến mạch máu, các bệnh về huyết áp, hiếm muộn, tiêu hóa... Đặc biệt, nhà thuốc Long Lâm của bà có bài thuốc chữa tắc tia sữa rất hiệu nghiệm. Bên cạnh đó, bà còn cung cấp cho sản phụ và trẻ sơ sinh thứ lá tắm gia truyền của dân tộc Sán Dìu, được lấy trong rừng nguyên sinh để phục hồi sức khỏe.
Trong chuỗi phòng khám của gia đình, bà luôn dành một phòng riêng cho các bệnh nhân nghèo, bệnh nặng ở lại lưu trú chữa miễn phí. Bà Lâm kể về trường hợp của anh Đỗ Xuân Hiền quê ở Ninh Giang - Hải Dương. Năm 2012, người nhà chở anh đến trước cửa nhà bà rồi bỏ về. Lúc đó, dù không quen biết, nhìn qua thấy anh ấy lả đi vì đói, lại mang bệnh rất nặng nên bà đưa anh Hiền vào nhà, mời cơm nước cho lại sức và ra sức điều trị. Sau này anh Hiền khỏi bệnh, bà lại động viên, giúp chút vốn liếng để làm ăn. Trường hợp nữa là anh Vũ Văn Thức ở thôn Hạ (Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên) bị xơ gan cổ trướng giai đoạn phù nề, da vàng bủng, mắt vàng, người như không còn sức sống. Bệnh viện trả về, nhà nghèo không có tiền chạy chữa, anh nghĩ mình đã hết cơ hội sống. Nghe mách bảo, anh tìm đến với bà Lâm và được bà giúp đỡ tận tâm. Tuân thủ hết sức nghiêm ngặt yêu cầu của thầy thuốc, bệnh của anh tiến triển dần và hồi phục. Anh Thức cho biết, cô Lâm là thầy thuốc không chỉ có tài mà còn có tâm, từ lâu gia đình tôi vẫn coi cô như là ân nhân của mình.
Cuốn sổ khám bệnh ngày một dày lên, chữa khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân, nhưng bà nhớ nhất là bệnh nhân Trần Đình Khứu (Tổ 8, Đường K2 Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Anh Khứu được đưa đến phòng khám trong tình trạng hôn mê, người bị phù nề. Mới đầu, thấy bệnh quá nặng bà cũng lo sức mình không kham nổi, nhưng còn nước còn tát, bà và người bệnh, gia đình bệnh nhân đồng lòng và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị. Bệnh tật của anh đã có tiến triển tốt. Khỏi bệnh, anh mang cả tiền, vàng đến cảm ơn nhưng bà từ chối, chỉ nhận một khoản nhỏ. Những bệnh nhân nghèo luôn luôn được bà miễn phí dù họ có ăn ở, chạy chữa bao lâu.
Ngoài việc khám chữa bệnh cứu người tại phòng khám Long Lâm, lương y Đặng Thị Lâm còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Bà từng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2009-2014. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Thương hiệu nổi tiếng ASEAN, giải thưởng Doanh nhân Tâm Tài, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bằng khen của Hội Đông y Việt Nam… và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền địa phương.
Lương y Đặng Thị Lâm nói, chỉ mong mình… thất nghiệp, vì khi đó sẽ không có ai bị bệnh tật gì nữa. Nhưng sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường, đời người ai rồi cũng phải trải qua, với các gia đình nghèo, bệnh nhân càng thiệt thòi gấp bội. Phương châm của bà là còn sống, còn hành nghề ngày nào thì còn gắng sức chữa bệnh cứu người ngày đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.