Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm sao để giảm viêm mũi dị ứng khi thời tiết nồm ẩm?

Theo Tiền phong| 20/03/2018 09:02

Tôi thường bị viêm mũi dị ứng khi tiếp xúc với nấm mốc, nhất là thời kỳ nồm, ẩm cuối xuân.

Tôi thường bị viêm mũi dị ứng khi tiếp xúc với nấm mốc, nhất là thời kỳ nồm, ẩm cuối xuân.

Triệu chứng và các tác nhân gây viêm mũi dị ứng.


Các triệu chứng ngứa họng, ho, ngạt mũi rất khó chịu nên tôi đã đi khám và được bác sĩ kê đơn có thuốc fluticasone. Tôi dùng thuốc này một thời gian thì thấy các biểu hiện đều giảm. Xin hỏi quý báo khi triệu chứng giảm thì tôi có nên dừng thuốc này không? Nguyễn Văn Lân (Thái Bình)

Viêm mũi dị ứng được định nghĩa bởi tập hợp các biểu hiện cơ năng của viêm mũi liên quan đến lượng IgE tăng trong máu gây ra các biểu hiện xảy ra ở niêm mạc mũi sau khi bị tiếp xúc với chất gây dị ứng. Biểu hiện của người bệnh là hắt hơi từng tràng, ngứa họng, ho.

Thuốc chứa thành phần fluticasone là một steroid thường được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng bằng cách ngăn chặn các tác động của chất gây dị ứng ở mũi (như phấn hoa, lông thú nuôi, bụi, nấm mốc) và làm giảm tình trạng sưng viêm.

Tuy nhiên, các thuốc xịt mũi chứa chất steroid thường không có tác dụng ngay mà cần khoảng vài ngày đến một tuần thuốc mới phát huy tác dụng. Thông thường, trong 2 tuần đầu thuốc được xịt 2 lần/ngày vào sáng và tối, mỗi mũi xịt 2 nhát, khịt nhẹ nhàng sau khi xịt mũi. Sau đó có thể giảm liều tùy theo diễn biến bệnh.

Nếu tình trạng bệnh thuyên giảm, thuốc thường được giảm liều xịt ngày 1 lần (trong 1 tháng), sau đó giảm dần theo diễn biến của người bệnh trong vòng 6 tháng đến khi bệnh ổn định. Việc sử dụng thuốc có thể lặp lại theo chu kỳ tùy diễn biến bệnh. Do đó, người bệnh cần kiên trì sử dụng theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

Cụ thể, trong trường hợp của bạn, khi dùng thuốc, các triệu chứng dị ứng có giảm nhưng không nên tự ý ngừng dùng thuốc mà vẫn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn. Nếu tự ý ngừng thuốc sẽ khiến cho bệnh chưa được khống chế mà còn gây biến chứng xuống phế quản…

Trong khi dùng thuốc nếu thấy có triệu chứng bất thường như thở khò khè, chảy máu mũi nặng, sốt, ớn lạnh, suy nhược, đau xoang, giảm ham muốn tình dục… cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm sao để giảm viêm mũi dị ứng khi thời tiết nồm ẩm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.