(HNM) - Nhiều chương trình, giải thưởng tôn vinh các sáng tác âm nhạc mới xuất hiện với nhiều tiêu chí khác nhau. Uy tín hàng đầu có lẽ là giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (từ năm 1991) và chương trình Bài hát Việt (6 mùa giải). Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là sức sống của những tác phẩm âm nhạc sau khi được tôn vinh có dài lâu và có tạo "sóng" cho nhạc Việt như kỳ vọng hay không.
Sau tôn vinh có tạo "sóng"?
Nếu như những năm đầu, chương trình Bài hát Việt có cả nhạc sĩ kỳ cựu tham gia như Trần Tiến, Hồng Đăng, Trương Ngọc Ninh, Đức Trịnh, Võ Thiện Thanh... thì vài năm gần đây, các nhạc sĩ trẻ đã chiếm hoàn toàn sân chơi này. Những tác giả nổi danh từ Bài hát Việt như Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Lê Cát Trọng Lý, Nguyễn Xinh Xô, Lương Bằng Quang, Nguyễn Hải Phong, Lưu Thiên Hương... liên tục có những dự án mới về âm nhạc. Ở giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trần Mạnh Hùng, Xuân Quang… dần khẳng định tên tuổi. Điều đó cho thấy, nền âm nhạc nước nhà đã có một thế hệ nhạc sĩ mới, được đánh giá là tài năng, có nhiều sáng tạo và sáng tác nhiều tác phẩm chất lượng.
Ca sĩ, Nhạc sĩ Mai Khôi nhận giải thưởng từ tay Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. |
Vậy nhưng, mấy năm gần đây, chỉ có một số tác phẩm để lại ấn tượng cho khán giả như "Bà tôi" (Nguyễn Vĩnh Tiến); "Chuông gió" (Võ Thiện Thanh); "Con cò" (Lưu Hà An)... Còn lại những ca khúc được giải thưởng tháng, quý những năm qua dường như chìm lắng, ngay cả "Đồng hồ treo tường" (Nguyễn Xinh Xô) được giải thưởng "Bài hát của năm 2009" đến giờ cũng chẳng mấy ai nhớ giai điệu. Ca khúc dễ đến với công chúng nhất, vậy tại sao những tác phẩm được giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như "Xuân mang dáng em" (Bùi Bá Quảng); "Trở về đồi cỏ cháy" (Đình Nghĩ); "Đất nước huyền thoại" (Nguyễn Đình Chính)… ít được biết đến? Trong khi đó, trên thị trường âm nhạc vài năm nay nhan nhản ca khúc chất lượng kém, giai điệu nhạt nhẽo, ca từ dễ dãi trở thành "hit" với lượng khán giả đông đảo. Vấn đề ở đây, theo các nhà chuyên môn là do các tác phẩm, dù là có chất lượng cao, chưa thực sự có được cơ hội mạnh mẽ để tiếp cận công chúng.
Lận đận đường đến với công chúng
Năm 2010, sáng tác về Hà Nội được mùa giải thưởng, bởi Thủ đô kỷ niệm 1000 năm tuổi. Những "Dời đô ngàn năm vang mãi" "Giấc mơ mùa lá", "Hào khí Thăng Long", "Ngàn năm nhớ về thuở ấy" (Đinh Quang Hợp), "Hoa Lư - Thăng Long - Bài ca dời đô" (Doãn Nho); "Hồ Gươm sáng sớm" (Lưu Thiên Hương)... được sử dụng liên tục trong nhiều chương trình mang chủ đề dấu ấn nghìn năm. Khán giả thấy quen, thấy ấn tượng và dần nhớ. Nhưng khi “ra” khỏi loạt chương trình kỷ niệm, nếu không có cơ hội quảng bá dài lâu, tác phẩm dễ chìm vào quên lãng.
Ngay cả với một chương trình có lợi thế quảng bá như Bài hát Việt thì những ca khúc được tôn vinh qua chương trình này cũng không dễ có được chỗ đứng vững vàng. Đôi khi, chính các nhạc sĩ, ca sĩ phải tự vận động để ca khúc tới được với công chúng. Để ý là thấy "À í a", "Giấc mơ trưa", "Chênh vênh", "Thu tình yêu", "Guốc mộc", "Thềm nhà có hoa"… được khán giả yêu thích và nhớ đến một phần là do các ca sĩ Trọng Tấn, Lê Cát Trọng Lý, Lưu Hương Giang, Đoan Trang, Hải Yến… hoạt động rất tích cực (tham gia nhiều show diễn, ra album) và thường xuyên có cơ hội thể hiện ca khúc trước đông đảo khán giả. Các nhạc sĩ cũng vận động "bên lề" bằng cách tham gia chương trình trò chơi âm nhạc, cùng ca sĩ thực hiện album, tổ chức liveshow… để tạo cơ hội cho ca khúc của mình đến với người nghe.
Trò chơi âm nhạc, cầu nối ca khúc, nhạc sĩ với khán giả. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.