Về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, liệu có câu chuyện càng sắp xếp thì lại càng dôi dư, càng phình ra?
Sáng 18-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, hoạt động giám sát tập trung vào đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung vào các nội dung: Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; Về quản lý biên chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập; về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; về nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; Về hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TƯ đã đề ra đến năm 2025 và 2030.
Đối tượng giám sát được chia làm 2 nhóm. Đối với nhóm các cơ quan chịu sự giám sát là nhóm trọng tâm, bao gồm: Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giám sát đối với tất cả các nội dung nêu trên.
Đối với nhóm các cơ quan tổ chức có liên quan chỉ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và các văn bản pháp luật có liên quan.
Phạm vi giám sát từ ngày 25-10-2017 đến hết ngày 31-12-2023 trên phạm vi cả nước. Đoàn giám sát tổ chức làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và tổ chức giám sát, làm việc với một số địa phương là các tỉnh, thành phố lớn, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, có đặc thù, đại diện các khu vực, vùng miền... (khoảng 10-12 tỉnh, thành phố, dự kiến gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An).
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, đây là chuyên đề giám sát rất rộng trên nhiều lĩnh vực, khối các cơ quan, đơn vị khác nhau; nội dung giám sát có nhiều luật chi phối, không có luật riêng nên rà soát quy định của pháp luật cũng không đơn giản. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xác định cụ thể hơn các nội dung giám sát.
Trong đó, có 3 vấn đề trọng tâm vướng mắc. Thứ nhất là sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. “Vừa qua việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập nhiều lúc còn cơ học, không làm cho mạnh lên mà thậm chí còn yếu đi, khó hoạt động hơn… Càng sắp xếp thì lại càng dôi dư, càng phình ra. Liệu có câu chuyện này không?", ông Phương nói.
Nội dung trọng tâm thứ hai được Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc đến là việc hoàn thiện cơ chế chính sách tự chủ và tài chính. Nội dung thứ ba là hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập có “nút thắt” nào cần tháo gỡ.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát cho biết, đoàn sẽ đến những nơi thực sự cần thiết như những nơi làm rất tốt và những nơi làm chưa hiệu quả để tìm hiểu nguyên nhân, đề ra giải pháp kiến nghị các cơ quan tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.