Theo các chuyên gia, những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá và giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá trong năm 2025 diễn ra đan xen. Tuy nhiên, năm 2025, lạm phát có thể được kiểm soát như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Năm thứ 10 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2024, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tại hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 9-1, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết: Đây là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát trung bình ở mức dưới 4%.
Dự báo về lạm phát năm 2025, chuyên gia Nguyễn Đức Độ cho rằng, trong năm 2024, cung tiền được kiểm soát ở mức 9,42%, thấp hơn nhiều mức trung bình của giai đoạn 2014-2023. Đây là yếu tố giúp kiểm soát lạm phát trong năm 2025. Tuy nhiên, cũng trong năm 2024, lãi suất thực mặc dù vẫn dương, nhưng đang thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024, đồng thời tốc độ tăng giá USD cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024 và đây là những yếu tố có thể gây áp lực lên giá cả trong thời gian tới. Tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định, tác động đến giá cả ở Việt Nam.
Vì thế, vị chuyên gia này đưa ra 3 kịch bản: Lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3,3%, khoảng 3% và khoảng 2,7%. Trong năm 2025 nhiều khả năng lạm phát trung bình sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu được Quốc hội thông qua.
Còn PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc kiểm soát CPI của Việt Nam trong năm 2025 đối mặt với một số thách thức. Đó là, mặc dù giá dầu thấp có thể giảm áp lực lạm phát nhập khẩu, nhưng sự biến động bất ngờ hoặc các yếu tố địa chính trị có thể gây ra những thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến CPI... Các dự báo cho thấy, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, dao động từ 3,5% đến 4,5%.
Theo đại diện Cục Quản lý giá, ngoài yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, có một số yếu tố giúp giảm áp lực như: Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát từ kênh nhập khẩu, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát; một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ…
Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, với các yếu tố trên thế giới và trong nước tác động lên lạm phát, CPI bình quân năm 2025 dự báo ở mức 4,2-4,5% (nếu không xảy ra các yếu tố đột biến).
Đồng bộ các giải pháp
Để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025 khoảng 4,5% như Quốc hội đề ra, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa thận trọng, hạn chế bội chi ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Nhà nước kiểm soát giá các mặt hàng như xăng dầu, điện, thực phẩm, thuốc men để tránh tăng giá đột biến; hạn chế nhập khẩu không cần thiết giúp giảm áp lực lạm phát do cầu vượt cung... Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, có thể điều tiết tỷ giá ngoại tệ để tránh biến động lớn, giảm thiểu tác động từ yếu tố nhập khẩu lạm phát.
Một số chuyên gia khác đề xuất, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường, tránh tình trạng tăng giá theo tăng lương, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước quyết định. Chính quyền các xã, phường cùng với các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát mức giá niêm yết tại siêu thị, cửa hàng, các hộ gia đình tiểu thương và chợ dân sinh trên địa bàn để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý. Nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh.
Giải pháp khác là tăng cường thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu đến mặt bằng giá cả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.