Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lạm phát” thi hoa hậu từ góc nhìn của Đại biểu Quốc hội

Theo T.P/Dân trí| 29/10/2015 09:29

Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến dùng từ “lạm phát” để nói về thực trạng các cuộc thi người đẹp. Ông Tiến “thẳng tay” mổ xẻ chuyện scandal, tiêu cực, gian lận, chui, lách… thi nhan sắc hiện nay.


Gần đây, liên tiếp những vụ lùm xùm chuyện các cuộc thi hoa hậu, từ việc các người đẹp dự thi nhan sắc, từ “nghi án” hoa hậu dao kéo, á hậu vướng scandal, người đẹp dự chi “chui” khiến dư luận… quá ngán, thậm chí trở nên dị ứng với những cuộc thi thố. Các cuộc thi sắc đẹp cũng thành một thị trường thả sức vùng vẫy cho các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông… mà vai trò của quản lý nhà nước dường như rất mờ nhạt, thưa ông?

Theo tôi, việc tổ chức thi hoa hậu là truyền thống đã duy trì nhiều năm nay của Việt Nam, từ cuộc thi của báo Tiền Phong nay đã trở thành cuộc thi nhan sắc chính thức của quốc gia. Nhưng chỉ từ một cuộc thi này mà giờ đây, thi hoa hậu ngày càng nở rộ thành rất nhiều các loại thi thố nhan sắc, từ thi hoa hậu quý bà tới hoa hậu công sở, hoa hậu chuyển giới, hoa hậu địa phương, hoa hậu vùng miền… Tôi nghĩ không nên để lạm phát quá nhiều các cuộc thi nhan sắc như thế khiến việc thi hoa hậu thành nhàm đi, những người đẹp kiểu “ao làng” quá nhiều, không còn đúng với ý nghĩa của cuộc thi tìm kiếm người đẹp, tìm kiếm những nhan sắc Việt nữa.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục Lê Như Tiến cho rằng quy định quản lý áp dụng với các cuộc thi nhan sắc hiện nay "có vấn đề" (ảnh: Việt Hưng).


Nên duy trì kỳ thi hoa hậu quốc gia để lựa chọn được những thiếu nữ xinh đẹp nhất, có khả năng giao tiếp tốt nhất, có trình độ tốt nhất để tham gia những cuộc thi nhan sắc khu vực và thế giới sau đó. Còn không nên cho tổ chức quá nhiều cuộc thi mà phải lựa chọn cho có chất lượng, có thể chỉ xem xét tới những cuộc thi cấp vùng.

Tôi dùng từ “lạm phát” vì các cuộc thi nhan sắc giờ quá nhiều và như thế thì không còn là thi hoa hậu nữa. Và đúng là vừa qua, bên cạnh một số cuộc thi có chất lượng được ghi nhận, tổ chức chặt chẽ, đem đến giá trị thẩm mỹ cho người xem và tôn vinh được những người đẹp thật sự thì cũng không ít những cuộc thi có đủ thứ lùm xùm, từ gian lận về tuổi tác, trình độ học vấn, bằng cấp rồi thậm chí cả về số đo, hình thể. Những việc đó gây phản cảm trong dư luận.

Như ông nói, dù đã có nhiều cuộc thi nhan sắc đến mức “lạm phát” hoa hậu, người đẹp như vậy nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng, ngoài cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm/lần thì rất ít những cuộc thi khác có chất lượng thực sự khiến Việt Nam để lãng phí nguồn “tài nguyên” nhan sắc. Và vì thế, dù phụ nữ Việt Nam được cho là có nhiều nét đẹp ưu việt nhưng nước ta vẫn gần như chưa có tên trên “bản đồ nhan sắc” thế giới?

Tôi cho là không nên tổ chức kỳ thi Hoa hậu quốc gia với định kỳ thưa quá, có thể khiến nhiều người đẹp mất cơ hội vì vẻ đẹp của một thiếu nữ không phải kéo dài mãi, có thể trăng tròn hôm nay nhưng qua năm, nhan sắc đó đã tàn phai rồi. Vậy nên cần có cuộc thi hoa hậu tổ chức thường niên chứ 2 -3 năm một lần thì có thể thiệt thòi cho những cô gái đang rực rỡ nhất ở đúng tuổi đó, trong đúng thời điểm đó, lại không có cơ hội thi thố mà bước qua một tuổi nữa thì trăng quá rằm, trăng lại rất khác rồi.

Tuy nhiên, như đã nói, tôi thấy cũng không nên có nhiều cuộc thi cần duy trì thường niên để rồi lại hết rầm rĩ này đến ì xèo khác những thông tin kiểu như vương miện có được là do sử dụng quá nhiều đến công nghệ thẩm mỹ, can thiệp dao kéo… Bản chất của các cuộc thi nhan sắc là để tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của con người, tôi cũng thấy là nếu sử dụng quá nhiều sự can thiệp thì phải gọi đó là thi nhân tạo hoa hậu mới đúng.

Có những người đẹp sau khi nhận vương miện mà nhìn lại quá trình trước đó thì thấy bộ dạng thay đổi hẳn. Theo tôi, chúng ta thì cần khuyến khích hướng tới cái đẹp tự nhiên, trời phú, cái đẹp bẩm sinh của con người. Có những người đẹp tôi nhận được thông tin nói là đến 90% vẻ đẹp là do nhân tạo, can thiệp. Việc đó cũng làm mất đi ý nghĩa của thi hoa hậu.

Những vấn đề này, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, việc thuộc trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cơ quan quản lý cần ban hành quy chuẩn cụ thể với từng loại hình, cấp độ cuộc thi và từng loại danh hiệu được công bố gắn theo đó.


Người đẹp Lâm Thuỳ Anh vừa bị phạt vì đi thi "chui" cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn cầu 2015, diễn ra tại Hàn Quốc.



Nói về chuyện ì xèo quanh các cuộc thi nhan sắc, nhiều người đã chỉ ra nghịch lý, thực tế thì mỗi cuộc thi khi được quảng bá, quy chế, thể thể được công bố dường như rất chặt chẽ, chắc chắn nhưng sau tất cả những rào chắn bảo vệ đó, mỗi cô gái được chọn và xướng danh hoa hậu, vẫn rất nhiều những lùm xùm không đáng có lại nổ ra như ông đã nói. Việc này đáng ra hoàn toàn có thể loại trừ được nếu có quy chế quản lý chuẩn, thưa ông?

Về vấn đề này, việc quan trọng nhất nằm ở 2 khâu. Khâu đầu tiên là ở Ban tổ chức - người thẩm định từ đầu về các yếu tố, tiêu chí với mỗi ứng viên để thí sinh đó có thể bước vào kỳ thi được.

Sau nữa đến Ban giám khảo. Giám khảo chấm hoa hậu phải là những người có kiến thức về xã hội, tâm lý học, rất hiểu biết về cái đẹp, về thẩm mỹ, hiểu rõ những tiêu chí về vẻ đẹp hình thể cũng như những yếu tố làm nên vẻ đẹp nội tâm… Và đã là giám khảo phải thực sự công tâm.

Việc rà soát ban đầu là để tạo được điều kiện cần và đủ cho một thí sinh bước vào cuộc thi. Yếu tố Ban Giám khảo chính là để chốt lại sau cùng, đảm bảo cho sự thuyết phục của cuộc thi. Thực tế, có những người do không công tâm hoặc vì lý do nào đó khác cũng đánh mất mình.

Một hiện tượng khác “bùng nổ” truyền thông thời gian qua là nạn người đẹp thi… chui. Nhiều người đặt vấn đề quy chế quản lý thi hoa hậu chưa hợp lý, thực tế khi chỉ 3 người là Hoa hậu - Á hậu 1 và Á hậu 2 của một cuộc thi nhan sắc mang tầm quốc gia mới được cấp phép ra nước ngoài dự thi ở đấu trường quốc tế. Những trường hợp khác, thí sinh dù có tiềm năng và tràn khát vọng cũng không được cấp phép. Đó là lý do khiến các người đẹp buộc lòng phải thi chui. Mà khi đã “chui”, lách như thế, bị phát hiện, các hình thức xử phạt lại chỉ dừng ở mức 15 - 30 triệu đồng nên các người đẹp vẫn tiếp tục nối bước… thi chui. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi đặt câu hỏi là tại sao lại cứ phải 3 người đứng đầu cuộc thi mới được quyền dự thi quốc tế. Đúng là cần qua kỳ thi nào đó để tuyển lựa những người đáng để đưa đi thi quốc tế nhưng không có nghĩa là không tạo điều kiện cho những nhan sắc khác. Nếu họ đăng ký đàng hoàng thì ta tạo điều kiện chứ sao lại không?

Vấn đề ở đây là do khâu tổ chức chứ có nhan sắc, có người đẹp nào muốn phải thi chui. Nếu họ có nhan sắc, có khát vọng và có khả năng mang lại cơ hội nhất định thì sao lại ngăn cản, không cho họ đi thi. Chính quy định hiện nay là có vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Lạm phát” thi hoa hậu từ góc nhìn của Đại biểu Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.