(HNM) - Chiều 5-8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, lạm phát tăng cao khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn và làm cho chất lượng sống giảm.
Đại biểu QH tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Hoa Sim phát biểu thảo luận. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Chất lượng sống giảm
Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề cập ngay tới tình trạng lạm phát liên tục tăng. Ông nói: "Giá trị đồng tiền giảm, hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá làm đời sống người dân hết sức khó khăn. Cử tri rất bức xúc với tình hình giá cả. Rõ ràng, chất lượng sống chưa tương đương với tốc độ tăng trưởng". ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng lòng tin vào tiền đồng giảm vì mất giá. Lãi suất ngân hàng quá cao, doanh nghiệp không tiếp cận được. Nếu có tiếp cận thì cũng không thể trả nổi lãi suất. ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) nêu thực trạng, ngư dân Phú Yên phải vay nóng lãi suất 6-7%/tháng để sản xuất, trong khi đó, lãi suất ngân hàng cao khiến cho nhiều trang trại bỏ trống. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) phân tích: Nếu so sánh chỉ số tăng giá và tăng trưởng rõ ràng chất lượng đời sống của nhân dân chưa cao. Nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan từ bên ngoài, còn do khiếm khuyết trong cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng. Lạm phát tăng cao vừa do tác động lớn từ thế giới song cũng do điều hành, quản lý giá cả còn yếu kém... Nước ta, với 70% dân làm nông nghiệp mà chỉ trong thời gian ngắn để thịt, trứng, rau tăng giá gần gấp đôi. ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nói, lạm phát cao dẫn đến sản xuất đình trệ, người lao động mất việc. Nông dân, công nhân các khu công nghiệp, vốn là đối tượng nghèo, lại chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Nhìn chung ĐB Quốc hội đánh giá tốc độ lạm phát nước ta quá cao, đứng đầu khu vực, gây ra tác động tiêu cực trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Trong khi không kiểm soát được giá, nhất là đối với nhóm lương thực, thực phẩm, mặt hàng thiết yếu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Dự án điện hạt nhân an toàn thì mới làm (HNM) - Hôm qua, bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, sự cố nhà máy điện nguyên tử ở Nhật Bản cũng đã cho chúng ta một cảnh báo khi xem xét, đánh giá dự án điện hạt nhân. Các dự án điện hạt nhân của nước ta mới ở giai đoạn đang làm nghiên cứu khả thi. Do đó, có điều kiện để đưa các yếu tố về an toàn vào tính toán và phải theo đúng chuẩn quốc tế. Trên cơ sở đó, chúng ta thấy dự án an toàn và yên tâm được thì chúng ta mới làm. Mặt khác, chúng ta vẫn tiếp tục phát triển các nguồn có khả năng thay thế. Nếu những nguồn và tiềm năng đó cho thấy là ta có thể thay thế nhu cầu về phát triển điện hạt nhân thì chúng ta sẽ triển khai. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế về hỗ trợ phát triển điện gió và đang giao cho các bộ xây dựng cơ chế về điện Mặt trời… cố gắng phát huy tất cả các giải pháp để có thể đáp ứng được nguồn năng lượng cho quốc gia. Thực tế cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất thấp, nên cùng với việc đáp ứng nguồn cung về năng lượng thì việc áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng là một xu hướng phải thúc đẩy để toàn dân thực hiện. Bởi hiện nay, chúng ta đang sử dụng cao hơn 20% so với các nước trong khu vực về năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP. Điều đó cho thấy tiềm năng tiết kiệm còn rất lớn và công nghệ còn rất lạc hậu. Khánh Khoaghi |
Đề nghị hỗ trợ bình ổn giá từ gốc
Cũng như phiên thảo luận tại tổ, các ĐBQH cho rằng, chính sách hỗ trợ bình ổn giá mới chỉ là giải pháp phần ngọn, mang tính nhất thời. Thậm chí, có nơi hàng bình ổn giá còn có giá cao hơn thị trường và áp dụng không đúng đối tượng, không giải quyết được thiếu hụt nguồn hàng nên giá vẫn tăng. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, bình ổn giá phải thực hiện từ gốc, tức là ưu tiên vốn cho người nông dân, giúp họ phân bón, con giống, thức ăn chăn nuôi để sản xuất ra nông sản hàng hóa giá thấp cung ứng cho thị trường.
Trước tình hình lạm phát vẫn căng thẳng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị Chính phủ nên tung gói kích cầu để vực dậy nền kinh tế. Ông nói: "Khác với trước đây, gói kích cầu lần này phải "bơm" tiền trực tiếp cho nông dân, doanh nghiệp phục vụ đầu tư sản xuất chứ không phải chỉ là đảo nợ cho ngân hàng. Các món nợ cũ cần được khoanh lại hoặc giãn thời hạn trả nợ...".
ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) cũng đề nghị tiếp vốn cho người sản xuất, đặc biệt là ngư dân. Ông nói: "Khai thác biển còn gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo nên Chính phủ cần ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực này." Đồng quan điểm, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, theo thời vụ, thiên tai sẽ tác động mạnh trong quí III và lạm phát tăng mạnh trong quý IV. Vì vậy mục tiêu trong 6 tháng cuối năm vẫn là phải kiên trì giải pháp như Chính phủ đã nêu. Đồng thời, thay mặt cử tri, ĐB Kiêm kiến nghị Chính phủ phải cụ thể hóa lời hứa bằng những giải pháp, lộ trình rõ ràng, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất như quản lý, bình ổn giá cả. Quản lý giá cả phải linh hoạt chứ không nên xơ cứng như vừa qua. Cùng với đó, phải xử lý thật nghiêm nạn tăng giá té nước theo mưa, gây ra hiệu ứng tâm lý rất xấu với thị trường... Mặt khác, phải xử lý tốt mặt trái của chính sách tiền tệ như lãi suất cao, sản xuất đình trệ.
"Bình thường" của sự thiếu trách nhiệm
Tình trạng kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua có rất nhiều điểm 0 môn lịch sử mà dư luận nêu cũng khiến nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) bức xúc: "Sao có thể coi đó là điều bình thường. Nếu ai đó coi là "bình thường" thì đó là "bình thường" của sự thiếu trách nhiệm...". Đề cập đến chính sách dành cho giáo dục, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng, hiện nay hàng ngàn gia đình phải thắt lưng buộc bụng cho con em mình đi học, thế nhưng các chính sách chăm sóc nhân tài cho đất nước rất thiếu. Ký túc xá không có, sinh viên phải ở trọ ở những nơi không bảo đảm điều kiện sống, bên cạnh các loại tệ nạn xã hội.
Ghi nhận những chuyển biến tiến bộ trong giáo dục, song nhiều ĐB phản ánh tình trạng thiếu quy hoạch trường học dẫn đến quá tải. Việc đào tạo nghề được tập trung khuyến khích nhưng chưa được triển khai kịp thời. Chế độ phụ cấp thâm niên chỉ áp dụng cho giáo viên đang giảng dạy gây thiệt thòi cho cán bộ đã giảng dạy lâu năm nay chuyển sang công tác quản lý.
Theo chương trình kỳ họp, sáng nay (6-8), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng phát biểu về những vấn đề mà ÐBQH quan tâm trong các buổi thảo luận tại hội trường cũng như thảo luận ở tổ.
Giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp (HNM) - Sáng 5-8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; Việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Đồng tình với đề nghị miễn giảm thuế cho một số đối tượng khó khăn, song các ĐB cũng bày tỏ băn khoăn về cách thức triển khai. ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nói, từ nay đến cuối năm còn 5 tháng, chính sách giảm thuế liệu có hiệu quả đối với sản xuất? ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) đặt vấn đề, cần làm rõ hơn nhóm đối tượng được giảm thuế là doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời phải có giải pháp cơ cấu lại nhóm doanh nghiệp này vì hoạt động yếu kém, thụ động, giá cả hơi có biến động là sản xuất chững lại. ĐB cũng lưu ý việc truy thu thuế đối với doanh nghiệp chây ỳ, khai gian. "Nên có giải pháp cứng rắn với những doanh nghiệp này"- ĐB Pham nói. Cũng băn khoăn về chính sách thuế, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu, một số doanh nghiệp nói sản xuất đình đốn, không có thu để nộp thuế thì lấy gì để được miễn giảm? Về pháp lý, cũng nên xem xét có phù hợp với thông lệ, quy định quốc tế hay không? Nhất là với diện giảm rộng cần có quy định cụ thể để tránh việc lợi dụng. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nói, việc giảm thuế lần này có tính chất động viên vì mong muốn của doanh nghiệp là không có lạm phát, có vốn để sản xuất "chứ thu nhập tăng mà giá cũng tăng thì chẳng giải quyết được gì". Giải đáp thắc mắc của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (đồng thời là ĐBQH đoàn Lạng Sơn) cho biết, việc hỗ trợ thuế thu nhập cho doanh nghiệp, nếu không sản xuất hàng xuất khẩu, không trái với quy định của WTO. Tất nhiên, khi Chính phủ đề nghị nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ có doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu nhưng số đó không nhiều. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (ĐBQH đoàn Nam Định) cho biết, ưu tiên xuyên suốt năm 2011 của Chính phủ là chống lạm phát. Khi tổng cầu của nền kinh tế giảm để kéo lạm phát xuống sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp nên Chính phủ chọn giải pháp giảm thuế với mục đích doanh nghiệp sử dụng phần thu nhập đó làm vốn sản xuất, hạn chế vay từ ngân hàng. Y Linh |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.