Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm ô sin cho “Tây”

Mai Ly| 01/12/2011 07:04

(HNM) - Từ ngày đi làm giúp việc cho một gia đình người nước ngoài, không ít lần Nguyễn Thị Xuân, sinh viên (SV) năm thứ 2 Trường ĐH LĐXH bị hiểu nhầm vì nhiều lần thấy cô xách làn đi chợ cùng ông chủ.

Thực ra, để chuẩn bị hành trang cho tương lai, Hương đã cố gắng trau dồi ngoại ngữ ở nhiều trung tâm. Tuy nhiên, học nhiều, cố gắng nhiều nhưng khả năng nghe, nói của Xuân cũng không thể nhanh hơn được. Thất vọng và định bỏ cuộc nhưng trong một lần nghe thầy giáo dạy tiếng Anh gợi ý rằng, để giao tiếp tiếng Anh nhanh nhất cần phải giao tiếp với người nước ngoài. Sau đó, thầy giáo giới thiệu Xuân giúp việc cho một người nước ngoài mới sang công tác tại Việt Nam. Xuân nhận lời đi làm với hai lý do: có cơ hội luyện ngoại ngữ "miễn phí", lại có thu nhập. Ngoài lau dọn nhà, rửa bát và là ủi quần áo, thỉnh thoảng Hương còn có nhiệm vụ cùng ông chủ đi chợ, dạo phố để giúp ông tìm hiểu về Việt Nam. Một tuần Hương làm việc 3 buổi, mỗi buổi 2 giờ, tiền công 900.000 đồng/tháng và có thêm lương tháng 13.

Tuy nhiên, theo lời kể của nhiều sinh viên, làm giúp việc cho người nước ngoài thực sự không đơn giản như nhiều người nghĩ. Những gia đình người nước ngoài thường sử dụng đồ đạc rất hiện đại, nếu không tìm hiểu kỹ thì sẽ không thạo việc và bị sa thải bất cứ lúc nào. Hơn nữa, đối với người nước ngoài, giờ giấc làm việc vô cùng nghiêm ngặt, vì vậy không thể nói đùa với hai chữ nguyên tắc. Chẳng hạn như trường hợp của Phan Xuân Lan, SV năm thứ nhất Học viện Tài chính từng làm việc cho một gia đình người Pháp. Ngay ngày đầu tiên đi làm, Lan đã làm vỡ một chiếc cốc của gia chủ và dù không một lời kêu ca, phàn nàn hay mắng mỏ, cuối tháng trả lương bà chủ trừ 50.000 đồng. Sự sòng phẳng, nghiêm túc này khiến Lan làm việc cẩn thận hơn và cũng rút ra được nhiều bài học. Ngoài vấn đề kinh tế thì tìm môi trường giao tiếp ngoại ngữ cũng là một mục tiêu mà nhiều sinh viên nhắm tới. Như Nguyễn Hoàng Minh từ ngày nhận được việc tìm nhà thuê trọ cho Tây đã tiến bộ vượt bậc về tiếng Anh. Do làm thêm cho một gia đình nước ngoài nên Minh được nhờ tìm nhà hộ cho nhiều người bạn của họ. Và cứ mỗi sáng, Minh dậy thật sớm, tìm thông tin trên báo và ghi chép cẩn thận trong sổ tay. Sau đó, khớp nối thông tin khách cần với thông tin Minh thu thập được để giúp khách tìm ra một nơi vừa ý trong thời gian nhanh nhất. Tiền công "môi giới" này nếu thành công là khá đậm, có khi bằng cả tháng lương. Hoặc có gia đình nước ngoài không thuê sinh viên đến để dọn dẹp nhà cửa mà chỉ đến để đi chợ, chế biến thức ăn. Cá biệt, có gia đình Tây chỉ có nhu cầu thuê sinh viên đến làm thêm để nói chuyện cho vui.

Hầu hết những người nước ngoài thuê SV giúp việc là những người sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam. Họ khá dễ chịu và có cái nhìn đầy thiện cảm với những trí thức trẻ không ngại khó khăn. Đối với sinh viên, chọn một công việc để có thêm thu nhập trang trải cho học hành, ăn ở trong 4, 5 năm ngồi trên ghế nhà trường thực sự là quan trọng. Thời gian đầu trong quan niệm của chính các bạn trẻ công việc làm gia sư, tiếp thị, bán hàng… là bình thường nhưng vượt qua được mặc cảm ô sin không phải là dễ. Tuy nhiên, khi cọ xát với thực tế, rõ ràng nghề này nhàn rỗi và an toàn hơn nhiều nghề khác, hợp lý về thời gian hơn. Các bạn đã tự tin và có kinh nghiệm hơn nhiều, vốn ngoại ngữ thực hành tốt hơn, có thu nhập khá và một thái độ làm việc nghiêm túc, tác phong "công nghiệp" hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm ô sin cho “Tây”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.