(HNM) - Ngày 2-12, tại Hà Nội, Công ty CP Hàng không Viet Jet (VietjetAir.com) đã tổ chức lễ khai trương hoạt động thương mại bay trên toàn quốc với mô hình hàng không chi phí thấp. Dù đến ngày 25-12 chuyến bay đầu tiên mới cất cánh, nhưng đây sẽ là "làn gió mới", làm tăng sức cạnh tranh trên bầu trời, giúp hành khách có thêm nhiều sự lựa chọn với chi phí hợp lý.
Thêm những đường bay giá rẻ
Luật Hàng không dân dụng năm 2006 ra đời, sau đó là Nghị định 76/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không nói chung cùng một số văn bản pháp quy khác đã "thổi" một "luồng gió mới" vào thị trường hàng không Việt Nam. Hàng loạt hãng hàng không tư nhân ra đời, trong đó Vietjet Air là công ty được cấp phép đầu tiên (7-12-2007).
Khách hàng đặt vé máy bay tại một đại lý của Vietjet Air. Ảnh: Đức Thuật |
Tuy nhiên, kinh doanh hàng không không dễ. Điều này đã được chứng minh qua việc một số hãng trong nước đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Hàng không là một trong những lĩnh vực "nhạy cảm" và chịu ảnh hưởng lớn nhất của suy thoái kinh tế. Đó là lý do, dù được cấp phép đầu tiên, nhưng sau 4 năm chuẩn bị, xin gia hạn, đến nay Vietjet Air mới chính thức "cất cánh". Chủ tịch HĐQT Vietjet Air Nguyễn Thanh Hà cho biết, thời gian qua hãng đã âm thầm chuẩn bị, với kế hoạch đầu tư toàn diện cả về tài chính, công nghệ… nhằm đem đến cho hành khách sự thuận tiện tối đa. Đồng thời, Vietjet Air đặc biệt chú trọng công tác phát triển hoạt động thương mại, tiếp thị trong và ngoài nước. Dù đến ngày 25-12, chuyến bay đầu tiên mới cất cánh, nhưng hệ thống đại lý, phòng vé trên toàn quốc đã chính thức hoạt động và bán được hơn 5 tỷ đồng tiền vé. Ngoài ra, 120 điểm giao dịch của Ngân hàng HDBank cũng sẽ là điểm thanh toán tiền vé máy bay nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hành khách.
Theo Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Đức Tâm, hãng sẽ hoạt động theo mô hình giá rẻ, với cơ chế giá vé thấp, đủ sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường bộ. Trong giai đoạn khai trương, mức vé thấp nhất hãng bán trên chặng bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là 900 nghìn đồng/vé, cao nhất là 2,1 triệu đồng. Thời gian tới, hãng sẽ có các chương trình khuyến mãi với giá siêu rẻ dành cho hành khách.
Hành khách có thêm sự lựa chọn
Ngành hàng không Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hãng hàng không nổi tiếng của Mỹ là American Airlines vừa phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản. Trong nước, một số hãng hàng không cũng đang lỗ khi khai thác đường bay nội địa. Do vậy, sự tham gia của Vietjet Air vào thị trường hàng không là một tín hiệu đáng ghi nhận. Thêm một sự cạnh tranh, hành khách có thêm lựa chọn và hưởng lợi.
Hiện cả nước có 5 hãng hàng không, trong đó có hai hãng giá rẻ gồm: Vietjet Air và Jetstar Pacific. Indochina Airlines đang dừng hoạt động, Jetstar Pacific đang "trên đường" tái hợp với Vietnam Airlines. Điều này đồng nghĩa với sức cạnh tranh bị tác động, Vietjet Air tham gia thị trường sẽ làm "nóng" lên cuộc cạnh tranh trên bầu trời mở.
Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Đức Tâm cho biết, dù hoạt động theo mô hình giá rẻ, nhưng hãng xác định sẽ đầu tư đội tàu bay hiện đại, xây dựng đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, hướng tới phát triển lâu dài. Theo đó, đội bay của hãng chủ đạo là Airbus 320 mới, có sức chở 180 hành khách, với cấu trúc ghế đồng hạng. Tất cả ghế sẽ được bọc da cao cấp giúp hành khách có cảm giác dễ chịu trên chuyến bay. Trong giai đoạn khai trương, hãng sử dụng 3 máy bay A320 mới thuê của đối tác Alafco Aviation (Kuwait) và dự kiến mỗi năm sẽ bổ sung thêm từ 3-5 chiếc mới, đến năm 2015 là 15 chiếc. Sau đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, hãng sẽ mở thêm đường bay TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng, Hà Nội - Cam Ranh và Hà Nội - Đà Lạt. Về lâu dài, hãng sẽ mở các đường bay quốc tế đến Macau, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.