Kinh tế

"Làm mới" hoạt động xúc tiến xuất khẩu

Lam Giang 06/02/2024 07:37

Năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định.

Do đó, công tác xúc tiến thương mại cần tiếp tục đổi mới, triển khai đa dạng, linh hoạt, góp phần vào việc thực hiện thành công mục tiêu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% như kế hoạch đề ra.

xk.jpg
Khu gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ trà, cà phê, rượu, công nghiệp thực phẩm quốc tế Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), tháng 11-2023. Ảnh: Hà Thư

Đóng góp tích cực cho thương mại

Thông tin về hoạt động xúc tiến xuất khẩu năm 2023, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tổ chức hàng nghìn sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và ở nước ngoài.

Trong đó, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại thực hiện 121 đề án với hơn 80 đề án tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương. Qua đó, hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia được hưởng lợi trực tiếp. Đặc biệt, đã có hàng trăm hợp đồng, đơn đặt hàng xuất khẩu và hợp tác được ký trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại với tổng giá trị đạt trên 125 triệu USD.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm đã thu hẹp đáng kể. Đơn cử như kim ngạch xuất khẩu tháng 11-2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước và 5,9% so với cùng kỳ năm trước; trong khi tháng 12-2023 ước đạt 32,91 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 4,4% so với năm trước.

Theo thông tin mới nhất từTổng cục Th ống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng 12-2023 và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Về năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, công tác xúc tiến thương mại có vai trò quan trọng trong cập nhật thị trường, các cơ hội phát triển xuất khẩu, do đó cần năng động, tích cực, sâu sát, cụ thể hóa nhiệm vụ hơn nữa.

“Nhiệm vụ tăng trưởng xuất khẩu đặt ra trong năm nay khoảng 6% là sức ép không nhỏ, do đó cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên bình diện mở rộng mọi khả năng về thị trường, sản phẩm, lĩnh vực, tăng năng lực sản xuất trong nước. Cùng với đó, cần có sự tương hỗ với nhập khẩu cho sản xuất phục vụ xuất khẩu”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Đẩy mạnh xúc tiến quy mô lớn

Theo các chuyên gia, năm 2024 xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về nội địa. Bên cạnh yếu tố về giá, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… yêu cầu. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chủ động nắm bắt thông tin thị trường và tham gia hoạt động xúc tiến thương mại như cách hữu hiệu thâm nhập thị trường trực tiếp nhất.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2024, ngoài hoạt động thường xuyên còn có trên 60 sự kiện lớn, trong đó có khoảng 10 sự kiện tại nước ngoài, tổng kinh phí khoảng 180 tỷ đồng. Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua tháp tùng hoạt động của lãnh đạo thành phố; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tại nước ngoài và các tỉnh, thành phố, gắn với những sự kiện chính trị lớn củaHà Nội và các tỉnh, thành phố.

Để Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ và kế hoạch công tác xúc tiến thương mại năm 2024, ông Lê Ánh Dương kiến nghị, Cục Xúc tiến thương mại, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt, kết nối cụ thể, giúp các địa phương, trong đó có Hà Nội, xây dựng định hướng tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại nói chung, xúc tiến xuất khẩu nói riêng; phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến quy mô lớn với sự tham gia của nhiều địa phương nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, Bộ sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng với vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh ở thị trường xuất khẩu chủ lực.

Mặt khác, Bộ chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trong nước và quốc tế; tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Làm mới" hoạt động xúc tiến xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.