Góc nhìn

Làm mới động lực cũ để tăng trưởng

Chí Kiên 20/01/2024 - 06:47

Trong xu thế chung của toàn cầu, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là làm mới các động lực tăng trưởng cũ, gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức...

Với những bước đi thận trọng và chắc chắn, dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2023, GDP Việt Nam tăng trưởng 5,05%, đây là mức tăng được quốc tế đánh giá là rất ấn tượng.

Việt Nam cũng kiểm soát được lạm phát, triển khai hiệu quả các biện pháp tài khóa, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng và đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt mức cao (đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022).

Thành quả đạt được thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, không ngừng nâng cao nội lực và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Việt Nam đã tạo dựng được môi trường an toàn, bền vững, là điểm đến đầu tư hấp dẫn và từng bước đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, Việt Nam luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nổi bật là nước ta đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, gồm: Xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế toàn diện, bền vững; hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.

Đặc biệt, chúng ta đang đặt ưu tiên rất cao cho các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó điểm nhấn là công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI)… Với lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng thông tin và đang có kế hoạch đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn. Về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Việt Nam sẽ tích cực khai thác lợi thế, hạn chế tiêu cực của AI, bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, song song với hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư và tăng cường, nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đáng chú ý, mới đây, Việt Nam đã triển khai sáng kiến mới về phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, để vừa phù hợp xu thế phát triển bền vững, vừa phát huy vai trò quan trọng của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu…

Nhìn tổng thể, với chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh trong tiến trình chuyển đổi nền kinh tế, Việt Nam đang cho thấy là điển hình cho cải cách và phát triển, được quốc tế đánh giá là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Có thể tự hào, Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những quốc gia tiên phong về phát triển kinh tế xanh và thông minh.

Với tầm nhìn dài hạn, trong phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới có chủ đề “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam” diễn ra chiều 16-1 vừa qua tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là xu thế khách quan và tất yếu của thế giới ngày nay; không một quốc gia, nền kinh tế nào, nếu vẫn giữ tư duy cũ, chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống, có thể phát triển nhanh và bền vững.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng, Nhà nước ta cũng đã nêu rõ: “Huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…”. Trên tinh thần này, nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả là tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cùng với đó, cả nước cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, việc phát triển nguồn nhân lực cần được chú trọng, bao gồm nhân lực chất lượng cao cho những lĩnh vực mới như công nghệ bán dẫn, AI… Và quan trọng nhất là tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Việt Nam xác định xuyên suốt quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Vì thế, nhiệm vụ làm mới các động lực tăng trưởng cũ cũng như thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới, đều hướng đến mục tiêu quan trọng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; kiên quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm mới động lực cũ để tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.