Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Làm mát" trong thời điểm nóng

Thùy Dương| 02/05/2011 06:32

(HNM) - Tuần qua, Tổng thống Barack Obama đã sốc lại bộ máy lãnh đạo của Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khi công bố một số đề cử nhân sự mới cho hai cơ quan này.

Theo đề cử, Giám đốc CIA Leon Panetta sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng thay ông Robert Gates, người đã tuyên bố ý định rời khỏi Lầu Năm Góc vào ngày 30-6 tới. Người kế nhiệm ông L.Panetta  tại CIA sẽ là Tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại Afghanistan, Tướng David Petraeus. Vị trí của ông D. Petraeus sẽ do Trung tướng John Allen, Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ - cơ quan giám sát các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông, Afghanistan và Pakistan đảm nhận. Các đề cử trên hiện đang chờ Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Nếu được thông qua, ông L. Panetta sẽ là người Dân chủ đầu tiên đảm nhiệm cương vị người đứng đầu quân đội Mỹ kể từ năm 1997 tới nay.

Giám đốc CIA Leon Panetta được đề cử thay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.


Cuộc hoán đổi các vị trí lãnh đạo quân đội và tình báo cấp cao của Mỹ diễn ra trong bối cảnh xứ Cờ hoa đang ở thời điểm quyết định trong chính sách đối ngoại. Bộ máy quân sự và tình báo mới được hy vọng sẽ giúp Tổng thống B.Obama giải quyết cuộc chiến tranh lâu dài không được ủng hộ của Mỹ ở Afghanistan, chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya... Theo giới phân tích Bắc Mỹ, đây là dấu hiệu rõ rệt nhất chứng tỏ ông chủ Nhà Trắng muốn siết chặt đội ngũ để chuẩn bị cho cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và giải quyết những vấn đề gai góc trong năm bầu cử.

Dễ dàng nhận thấy, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan đã kéo nước Mỹ vào những bãi lầy chưa có lối thoát. Mặc dù đã rút lực lượng chiến đấu ra khỏi Iraq, nhưng một bộ phận quân sự Mỹ vẫn đóng quân ở đất nước này. Còn tại chiến trường Afghanistan, tàn quân Taliban đang không ngừng phát triển là mối nguy hiểm tiềm tàng với binh lính Mỹ và đồng minh; đồng thời ngày càng đe dọa sự tồn vong của chính quyền Kamid Harzai được Mỹ hậu thuẫn. Do đó, những thay đổi trên không chỉ sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các cuộc chiến này mà xa hơn nữa là ngân sách quốc phòng Mỹ. Trong bối cảnh nước Mỹ đang khó khăn với khoản nợ công ngày càng lớn và thâm hụt ngân sách liên bang trầm trọng thì, sự kiện cử L. Panetta, từng là Giám đốc ngân sách Nhà Trắng sang Bộ Quốc phòng, hẳn Tổng thống B.Obama hy vọng nhân vật này sẽ giúp ông xử lý ngân sách hàng tỷ USD mà Bộ Quốc phòng sẽ bị cắt giảm nhằm thực hiện lời hứa giảm ngân sách 4.000 tỷ USD trong 12 năm tới.

Trong khi đó, Tướng John Allen được giao trọng trách chỉ huy cuộc chiến Afghanistan đã thể hiện quyết tâm của vị Tổng thống thứ 44 nước Mỹ thực hiện quá trình rút quân và chuyển giao trách nhiệm cho chính quyền Kabul. Xuất thân từ thủy quân lục chiến, John Allen đã thành công trong thuyết phục các trưởng lão sắc tộc Sunni tại tỉnh Anbar của Iraq chống lại lực lượng chống đối vũ trang tại vùng rối ren này để hợp tác với Mỹ trong các năm 2007-2008, dẫn đến sự thành công trong bình định của Mỹ tại Anbar. Vì thế, lựa chọn J.Allen dường như là một "nước cờ" để Tổng thống B.Obama có được những kết quả như mong muốn tại Afghanistan. Trong khi đó, tướng D. Petraeus làm Giám đốc CIA sẽ mở đường cho CIA gia tăng các hoạt động ngầm tại Afghanistan cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

Lý giải việc Nhà Trắng tăng cường hoạt động ngầm, các chuyên gia cho rằng Mỹ đang ngập trong nợ nần mà kinh tế thì chưa thực sự hồi phục, do đó, Nhà Trắng không thể tiến hành các chiến dịch quân sự tốn kém như tấn công Afghanistan, sau đó là Iraq như dưới thời Bush. Tuy nhiên, do vẫn quyết duy trì vị thế siêu cường số 1 thế giới, cũng như khẳng định sự ảnh hưởng trên toàn cầu, Mỹ buộc phải dùng công cụ khác. Đó là, thay vì những tên lửa Tomahawk đắt tiền tấn công Iraq, hàng chục nghìn lính bộ binh ở Afghanistan… ông B.Obama sẽ đẩy mạnh các hoạt động tình báo, chống phá ngầm. Hiệu quả của cuộc chiến trong bóng tối này không dễ nhận ra như sử dụng tên lửa hành trình tiêu diệt cơ sở của đối phương, nhưng tác động của nó đôi khi hữu dụng hơn nhiều.

Cuộc cải tổ nhân sự chóp bu tại hai cơ quan trọng yếu của Mỹ diễn ra vào thời điểm nóng bỏng: sự ủng hộ của nhân dân Mỹ với chiến tranh đang giảm dần; nền kinh tế số 1 thế giới chưa thoát khỏi khó khăn. Thế nên, việc "làm mát" nội các của Nhà Trắng được xem là bước đi nhằm thuyết phục cử tri Mỹ hướng vào cuộc đua nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai vừa được ông B.Obama khởi động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Làm mát" trong thời điểm nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.