(HNM) - Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi gia cầm vì ít xảy ra dịch bệnh và giá cả ổn định. Đặc biệt, thời gian gần đây, chăn nuôi vịt theo hướng công nghệ cao được nông dân chú trọng bởi đây vừa là hướng làm giàu hiệu quả, vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Doãn Nguyên ở xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ) cho biết: Từ năm 2017, gia đình ông chuyển sang nuôi vịt theo hướng công nghệ cao, với hình thức gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Qua thời gian nuôi theo phương pháp này cho thấy, vịt tăng trưởng tốt, chỉ sau 50 ngày cho trọng lượng 3,4-4kg/con (trong khi nuôi vịt theo cách truyền thống khoảng 100 ngày, trọng lượng đạt 1,8-2kg/con), giá bán dao động 35.000-45.000 đồng/kg. Mỗi năm, trang trại của gia đình ông Nguyên nuôi 5 lứa với tổng đàn 8.000 con/lứa, cho giá trị khoảng gần 1 tỷ đồng.
Còn theo bà Trần Thanh Huyền ở xã Thụy An (huyện Ba Vì), nếu trước đây nuôi vịt theo phương thức truyền thống thả đồng, vịt nuôi trong ao, kênh mương... thì nay đã khác, người chăn nuôi làm chủ kỹ thuật, sử dụng mặt bằng diện tích không quá lớn để đào ao chứa nước nên bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trên diện tích 1.200m2, gia đình bà Huyền nuôi 10.000 con/lứa, mỗi năm nuôi 5 lứa, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, vịt xuất chuồng đều được Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam thu mua ổn định.
Về hiệu quả của phương thức chăn nuôi vịt công nghệ cao, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 28 trang trại chăn nuôi vịt công nghệ cao, quy mô 5.000-10.000 con/trang trại. Tuy nhiên, chăn nuôi vịt công nghệ cao còn một số khó khăn như: Nông dân phải đầu tư vốn khá lớn cho xây dựng chuồng trại, bảo đảm nguồn điện ổn định; đặc biệt phải thực hiện nghiêm quy trình về chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng theo hướng nuôi công nghiệp (thức ăn chế biến công nghiệp) kết hợp bảo đảm vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh nghiêm ngặt, đúng quy định về tiêm vắc xin. Ngoài ra, chăn nuôi theo phương thức này không thể tận dụng thức ăn dư thừa trong sản xuất nông nghiệp như phương thức chăn nuôi truyền thống...
Để mở rộng mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao trên địa bàn thành phố, theo ông Nguyễn Tú Nam - Phó Tổng Giám đốc quản lý bộ phận chăn nuôi gia công miền Bắc thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, hiện nay, các hộ chăn nuôi vịt công nghệ cao được công ty hỗ trợ kỹ thuật, giống và tiêu thụ sản phẩm. Phương thức hợp tác này giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư để có sản phẩm an toàn. Dự kiến, thời gian tới, công ty tiếp tục hợp tác với các hộ dân để mở rộng sản xuất, nhất là tại các huyện có điều kiện phát triển chăn nuôi quy mô lớn như: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, Chi cục đã và đang tăng cường công tác quản lý, định hướng cho các hộ chăn nuôi bảo đảm phát triển chăn nuôi vịt đúng hướng. Cùng với đó, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn điều kiện, quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh; tập trung tuyên truyền, vận động để tăng số hộ đầu tư chăn nuôi vịt công nghệ cao, trong đó có các hộ chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi nhằm tận dụng hệ thống chuồng trại sẵn có; gắn kết với các công ty, cơ sở giết mổ, tiêu thụ sản phẩm... tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nhằm bảo đảm đầu ra hiệu quả cho vịt thương phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.