(HNM) - Tiếp xúc với ông Cao Ngọc Khương ở thôn Lũng Kênh, xã Đức Giang (Hoài Đức - Hà Nội), có thể cảm nhận được niềm đam mê của ông với nghề điêu khắc gỗ. Ông Khương cho biết, để có một sản phẩm điêu khắc chất lượng cả về thẩm mỹ và giá trị sử dụng, trước hết phải thiết kế được bản vẽ, sau đó chọn loại gỗ và cuối cùng là chế tác.
Trong thiết kế, ông Khương luôn sáng tạo, cập nhật được xu thế ưa chuộng của khách hàng. Ngay trong việc chọn gỗ ông cũng khá kỹ tính: Phải chọn loại tốt, gỗ lõi, đúng chủng loại, tiếp đến là bố trí các sự vật trong bản thiết kế cho phù hợp, vừa vặn với khuôn gỗ. Với mỗi sản phẩm, ông Khương đều không làm gấp gáp, không làm cho xong mà làm bằng tình yêu nghề và sự cẩn thận, sự tinh tế trong nhìn nhận sự vật, hiện tượng. Theo ông, quan trọng nhất của nghề mộc chính là kỹ thuật và trách nhiệm với công việc. Với quan niệm đó, ông đã tạo ra được nhiều mặt hàng chất lượng tốt, nhiều người dân ở trong và ngoài địa phương đến đặt hàng. Các sản phẩm đồ gỗ của gia đình ông được lựa chọn đi trưng bày tại các triển lãm của Hội làng nghề huyện Hoài Đức và của TP Hà Nội. Niềm tự hào của ông Khương là năm 2010, ông đã hoàn thành theo đơn đặt hàng làm bộ đồ thờ đặc sắc đặt ở Đền Thượng, Đền Hùng (Phú Thọ).
Hiện hàng hóa của gia đình ông có mặt ở nhiều nơi: Hà Nội, Phú Thọ, Huế, Quảng Ninh... Bình quân hàng năm, gia đình ông Khương có mức thu nhập 600-700 triệu đồng. Ngoài tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình, cựu chiến binh Cao Ngọc Khương còn tạo công việc cho 7-8 lao động khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.