Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm giàu từ cây chè

Đào huyền| 18/10/2017 07:06

(HNM) - Việc triển khai các mô hình trồng chè an toàn đã giúp nhiều nông dân miền núi, vùng đồi gò của Hà Nội vươn lên làm giàu.


Một mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Thái Hiền


Chủ tịch UBND xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Bình cho biết: Cách đây 4 năm, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, xã đã xây dựng thành công mô hình trồng chè an toàn quy mô 10ha tại các thôn Kỳ Viên, Hưng Thịnh với giống chè hạt 777 và PH1. Bằng việc đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay xã Trần Phú đã mở rộng được hơn 27ha trồng chè an toàn, năng suất tăng từ 10 đến 15%, hiệu quả kinh tế tăng từ 26 đến 39 triệu đồng/ha so với trồng chè truyền thống. Trung bình, các hộ gia đình tham gia mô hình trồng chè an toàn ở xã Trần Phú có thu nhập từ 150 đến 180 triệu đồng/ha. “So với trồng khoai, sắn thì cây chè cho giá trị kinh tế cao gấp 6-7 lần, giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế, làm giàu cho địa phương” - ông Đặng Đình Bình chia sẻ.

Cây chè cũng trở thành cây trồng chủ lực, làm giàu cho nông dân xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Chị Bùi Thị Huyên, xã Bắc Sơn cho hay: "Trồng chè sạch gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo". Với hơn 1ha trồng chè theo Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hằng năm, gia đình chị Bùi Thị Huyên có thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Qua tìm hiểu, mô hình trồng chè tại xã Bắc Sơn đã được nông dân tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất chè sạch, nhất là mô hình VietGAP, từ cách thức chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thâm canh cơ giới hóa. Nhờ vậy, năng suất cây chè tăng từ 50 đến 100% và giá bán chè thành phẩm tăng gần 100% so với phương pháp truyền thống. Hiện, sản lượng chè thu hoạch trung bình của xã đạt từ 60 đến 100kg/sào/lần thu hoạch; giá trị kinh tế từ cây chè đạt từ 390 đến 550 triệu đồng/ha/năm. Chè Bắc Sơn là một trong những nhãn hiệu nông sản nổi tiếng của TP Hà Nội.

Theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, TP Hà Nội xác định chè là cây trồng chủ lực và được tập trung phát triển tại các xã miền núi. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Toàn thành phố hiện có khoảng 3.200ha trồng chè, tập trung ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất. Ngoài triển khai các mô hình trồng chè an toàn, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương trồng xen kẽ thay thế giống chè già cỗi bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao. Dự kiến đến năm 2020, năng suất chè búp tươi của thành phố đạt từ 80 tạ/ha trở lên.

Cây chè cũng là một trong những cây trồng được ngành Nông nghiệp Hà Nội chọn để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 diện tích sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao đạt 250ha ở huyện Ba Vì và Sóc Sơn. Tại các địa phương này sẽ có 3 mô hình sản xuất, 2 mô hình chế biến và bảo quản sản phẩm chè, 1 cơ sở chế biến và bảo quản chè ứng dụng công nghệ cao, qua đó nâng tỷ trọng giá trị sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 35 đến 40% tổng giá trị sản xuất chè toàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ cây chè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.