(HNM) - Khúc ruột miền Trung nắng gió, luôn phải đối mặt với khó khăn, nghèo đói một lần nữa tang thương trong bão lũ. Gió lốc đập tan những mái nhà, xé nát những vườn cây, nước ào ạt đổ về cuốn phăng tất cả..., nhiều nơi trên đất Hà Tĩnh, Quảng Bình tan hoang trong tiếng kêu xé ruột, trong mất mát, đau thương…
Những ngày qua, dải đất hình chữ S như "lão nông" oằn lưng chống đỡ với thiên tai khắc nghiệt. Sau những nỗi đau tê tái, mất người, mất của là nỗi lo bệnh dịch, là cái đói tràn về và không biết đến bao giờ thiên nhiên mới nguôi cơn thịnh nộ. Đốt lên ngọn lửa nhân ái để trợ giúp đồng bào trong lúc cơ hàn là việc làm cấp thiết, nhưng nếu không có một cách ứng xử khác để có thể tồn tại dài lâu trong sự bao bọc của thiên nhiên thì con người sẽ tiếp tục gánh chịu những thảm họa ngày càng khắc nghiệt. Những vòng trắng khăn tang, những cái đói, cái nghèo lại ập xuống bất cứ lúc nào.
1. Bão đổ về, mưa trút nước, những bãi vàng thổ phỉ khoét sâu vào lòng núi hàng trăm mét như những cái hang chuột trong một địa bàn rộng tới hàng trăm héc ta trên đất Văn Bàn - Lào Cai đã biến thành những túi nước khổng lồ. Và khi những máy nghiền đá làm rung chuyển núi rừng, những kết cấu địa chất vỡ nát cũng là lúc tai họa ập xuống. Đá lở đập vào nhau, nước trong những hầm vàng vỡ bung, kéo hàng trăm tấn đất đá sầm sập lao xuống núi như những dòng thác nuốt chửng những người đang đập vỉa, đãi vàng và vùi chôn những người đào vàng trong lòng núi. Đó chỉ là một trong những câu chuyện thảm thương từ đủ kiểu mỏ vàng thổ phỉ đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Và cũng không dừng lại ở đó bởi người ta không chỉ đào vàng. Núi đang bị "xẻ thịt", rừng đang bị "xẻ thịt". Thiên nhiên đang giận dữ và trực tiếp trút tai họa xuống con người.
Tuần qua là một tuần đau đớn với mảnh đất miền Trung ruột thịt. Quảng Bình đã qua thời mưa bom bão đạn, đã quen với nắng gió đến dữ dằn nhưng không ít người vẫn thảng thốt bởi mới chỉ nghe thấy tiếng rít rú ầm ầm, tất cả đã tan nát. Nhiều nơi lốc cuốn, lũ qua không còn căn nhà nào nguyên vẹn, không món đồ nào lành lặn, không cây nào còn đứng thẳng. Nước rút, phù sa đặc quánh, chôn lấp tất cả từ hạt gạo, gói mỳ đến sách vở, áo quần... Chỉ vài phút thôi nhưng cơn thịnh nộ của thiên nhiên đã kịp để lại hậu quả thảm khốc. Người ta nói những trận bom B-52 của một thời chiến tranh khốc liệt cũng có chỗ, có nơi, còn gió lốc làm tan hoang tất cả. Nhà tốc mái, mưa ào ạt không một chỗ khô, thi thể người chết chưa kịp an táng, nước lũ đã tràn về. Nhiều người kiệt sức vì lo cho người chết, lo cho người bị thương và lo cho ngày mai không biết sống bằng gì? Bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ, trạm xá vỡ nát chưa kịp sửa chữa đã phải đón bệnh nhân, nước mắt lại rơi, đói nghèo lại đến. Thiên tai gieo tang thương và chồng chất những nỗi đau.
Thiên tai ầm ập do đâu? Có phải do sự bất thường của thời tiết hay là sự dội lại của thiên nhiên từ sự tàn phá của con người? Nhiều nhà khoa học giải thích, sự vận động của khí năng trong lòng Trái đất vốn tự nhiên theo quy luật của nó, sự bất thường chỉ xuất hiện khi bị tác động bởi một lực bất thường, phi tự nhiên như lòng đất bị khoét sâu vì khai thác khoáng sản, hút nước ngầm... khiến vỉa tầng bao bọc Trái đất thiếu ổn định, mất cân xứng. Với những hành động thiếu toan tính, con người không chỉ tạo nên sự bất bình thường cho sự vận hành của năng khí trong lòng đất mà còn cả trên bề mặt và bên ngoài Trái đất. Việc tàn phá núi rừng và một thế giới bê tông cốt thép của những công trình xây dựng đã tác động trực tiếp đến lớp vỏ yếu ớt đang bao bọc Trái đất và vận hành khí năng của vũ trụ. Kết quả là khí hậu biến đổi, thiên tai ngày càng khốc liệt và diễn ra nhiều hơn.
Như vậy, thảm họa bắt đầu từ sự hủy diệt thiên nhiên, tốc độ hủy diệt tự nhiên càng nhanh, thảm họa thiên tai càng lớn. Nếu không tìm được những giải pháp để sống chung với thiên nhiên, hài hòa cùng thiên nhiên cũng có nghĩa là con người tự hủy hoại chính mình. Nếu vì những mục đích trước mắt mà tiếp tục tàn phá thiên nhiên, chắc chắn những cơn thịnh nộ sẽ lại đến, thiên tai lại đổ xuống, người nghèo càng nghèo hơn, mất mát sẽ ngày càng lớn hơn.
2. Để vượt qua sự hủy diệt của thiên nhiên, con người Việt Nam hiện đại cần một hệ chuẩn mới về giá trị. Trong đó, sống hài hòa với thiên nhiên cần được coi là một giá trị văn hóa. Đây cũng là sự kế thừa truyền thống của người Việt tự ngàn xưa. Sống tựa vào thiên nhiên, trân trọng và cảm khái trước sức mạnh, sự hào phóng của thiên nhiên: Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm..., ông cha xưa cầu cho "mưa thuận gió hòa", được thiên nhiên ưu đãi để mùa vàng bội thu. Khi xây dựng nền văn hóa của riêng mình, người Việt đã chọn cách thức hòa hợp với thiên nhiên hơn. Tiến trình di cư, định cư, hình thành cộng đồng làng xã của người Việt cũng là một quá trình thích nghi với điều kiện môi trường, đặc biệt là môi trường sông nước. Con người đến với mỗi vùng đất mới, trước hết là nhìn thiên nhiên để hiểu và tìm ra lối sống phù hợp với thiên nhiên. Các loại hình cư trú của người Việt qua nhiều thế hệ là hệ quả của việc thích ứng với điều kiện địa lý và tự thân nó đã góp phần định hình những đặc điểm văn hóa, ứng xử của người dân đối với cộng đồng và thiên nhiên.
Cách nhìn truyền thống gắn với nền văn minh lúa nước và những con sông đã dần trở nên lỗi thời trước sự phát triển của xã hội công nghiệp. Dân số đông đúc tới mức thậm chí không thể kiểm soát, cùng với nhu cầu ngày càng tăng của lối sống hiện đại, đã buộc con người phải lạm dụng sự hào phóng của thiên nhiên. Lòng tham và sự thiếu hiểu biết đã đẩy nhanh tốc độ hủy hoại thiên nhiên. Khi núi rừng bị đẩy lùi không thương tiếc, biển bị khai thác quá mức với những "thủ thuật diệt chủng", khi công nghiệp phát triển xô bồ đến vô tội vạ cũng là lúc nguồn sống từ tự nhiên cạn kiệt, khái niệm rừng vàng biển bạc phải nhường chỗ cho những giá trị khác là sản phẩm của trí tuệ con người. Những "người bạn" thiên nhiên thầm lặng, vĩnh viễn ra đi cùng khát vọng chinh phục, chế ngự thiên nhiên của con người, chỉ có những cơn thịnh nộ của thiên nhiên là quay trở lại. Khi trí tuệ không ngăn nổi những cơn hồng thủy có sức tàn phá khủng khiếp hơn bất cứ sức mạnh nào mà con người có thể tạo ra, lúc đó họ mới nghĩ về bà mẹ thiên nhiên, những người bạn thiên nhiên thì đã quá muộn.
Nhiều dòng suối cạn đến trơ đáy, Tây Nguyên hạn hán khắp nơi, bão lũ bất thường dội xuống miền Trung, lốc xoáy, lũ quét tàn phá nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. TP Hồ Chí Minh, Bình Dương bất ngờ ngập lụt, trong khi người dân vựa lúa, vựa cá Đồng bằng sông Cửu Long khắc khoải chờ lũ như một đặc ân mà tạo hóa nhẫn nhịn ban phát và thậm chí, có lúc Thủ đô Hà Nội "phố cũng như sông"... Thảm họa thiên nhiên không còn là lời cảnh báo, không còn là những cột mốc thập kỷ như người ta hình dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia chống biến đổi khí hậu. Trong khi các cơ quan chức năng mải miết với những kế hoạch, kịch bản ứng phó, thảm họa thiên nhiên đã ầm ầm "gõ cửa" từng nhà với cách thức và mức độ khác nhau. Đau thương đã ập xuống, người dân nhiều vùng đã và đang phải vật lộn từng phút từng giờ để chống chọi với thảm họa bất ngờ trong bàng hoàng và mất mát. Nhưng cơ sự sẽ không dừng lại ở đó, cường độ và tần suất bão lũ mỗi năm một mạnh hơn, mau hơn và mức độ tàn phá ngày càng khủng khiếp hơn. Thiên nhiên sẽ tiếp tục gieo thảm họa cho dải đất hình chữ S.
Người xưa nói "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" nhưng cơn thịnh nộ của thiên nhiên không đợi bất cứ ai. Thảm họa đã trực tiếp giáng xuống những con người đang trực tiếp hủy hoại thiên nhiên và cả cộng đồng với mức độ thiệt hại không thể đo đếm. Không thể mãi đổ lỗi cho đời sống bức xúc, lợi nhuận hấp dẫn hay sự quản lý lỏng lẻo, luật pháp chưa nghiêm, một số cán bộ thoái hóa biến chất tiếp tay cho việc tàn phá thiên nhiên..., đã đến lúc phải biện truy rõ ngọn nguồn những giải pháp quyết liệt và hơn hết là xây dựng một cung cách quản lý, một lối ứng xử có trách nhiệm, có văn hóa trong mỗi con người đối với tự nhiên. Đây chính là điều kiện cần để tránh sự hủy diệt của thiên nhiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.